Tài chính - Chứng khoán
Giật mình với kế hoạch khủng của CII
Chí Tín - 15/11/2014 10:05
Việc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII, sàn HOSE) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2015 lãi 670 tỷ đồng, gấp gần 3 lần kế hoạch 2014, khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi giật mình.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
APEC sáp nhập với Sen Vàng: Lộ diện “thế lực” mới
Lý giải việc DN 'đổ bệnh' trước thời điểm IPO
CII sẽ chuyển nhượng một số dự án BOT

Viễn cảnh tươi sáng

Mặc dù còn 1 tháng rưỡi nữa mới kết thúc năm 2014 và nhiều doanh nghiệp đang căng sức cho cuộc chạy nước rút để hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh 2014, thì CII đã có thể “kê cao gối” yên tâm, vì đã hoàn thành nhiệm vụ kinh doanh năm 2014. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của CII đạt 278,5 tỷ đồng, vượt 19% kế hoạch của cả năm.

   
  Việc CII đặt kế hoạch kinh doanh 2015 gấp gần 3 lần kế hoạch 2014 khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi giật mình  

Tuy nhiên, việc đặt kế hoạch lợi nhuận gấp 3 lần so với kế hoạch năm trước khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn về tính khả thi.

Về phía CII, lãnh đạo công ty này có những lý do riêng và một trong những cơ sở để doanh nghiệp tin sức bật trong năm tới là CII dường như đã tháo được khó khăn và đang bước vào đà tăng tốc.

Cụ thể, mặc dù CII đề ra mức lợi nhuận hơn 233 tỷ đồng trong năm 2014 (gấp 2 lần so với lợi nhuận 118 tỷ đồng thực hiện được trong năm 2013), song chỉ trong 9 tháng đã vượt 19% kế hoạch cả năm.

Ngoài ra, cơ sở nữa để CII  tin tưởng vào sự bứt phá trong năm 2015 là việc công ty này sẽ có một khoản thu nhập từ công ty con trong việc chuyển nhượng các dự án BOT.

Ẩn số “tiền thật, tiền ảo”

Theo kế hoạch, CII sẽ chuyển nhượng với giá bằng giá vốn đầu tư các dự án BOT của CII cho CII Bridge & Road, với tổng giá trị sổ sách các dự án này lên tới 1.955 tỷ đồng.

Hiện tại, một số dự án trong danh mục mà CII đang và sẽ tiến hành chuyển nhượng cho CII Bridge & Road gồm: Dự án chuyển nhượng quyền quản lý thu phí giao thông trên Xa lộ Hà Nội để hoàn vốn đầu tư xây dựng cầu Rạch Chiếc mới; Dự án BOT cầu Rạch Miễu; Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội; Dự án BT cầu Sài Gòn; Dự án BOT tuyến đường Phan Rang - Tháp Chàm (giai đoạn I); Dự án BOT cầu đường Bình Triệu (giai đoạn II); Dự án BOT tuyến tránh Phan Rang - Tháp Chàm (giai đoạn II).

Nguồn tiền để CII Bridge & Road mua lại các dự án BOT từ công ty mẹ là từ việc phát hành cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi. Cụ thể, CII Bridge & Road sẽ tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành 14,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ 35,7 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược. Ngoài ra, CII Bridge & Road còn phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Các đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu của CII Bridge & Road sẽ đem lại cho công ty này một khoản tiền khổng lồ để thanh toán cho công ty mẹ CII trong các thương vụ chuyển nhượng dự án BOT sắp tới. Về mặt hình thức, đây là những động thái khá lạc quan cho công ty mẹ CII và công ty con CII Bridge & Road. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, nhà đầu tư đứng ra mua phần lớn cổ phiếu và trái phiếu trong các đợt phát hành của CII Bridge & Road lại chính là… công ty mẹ CII.

Đợt phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, đối tượng mua chính là CII, trong khi đối tác chiến lược mua 35,7 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng không ai khác ngoài CII.

Chưa kể, ngay cả đợt phát hành 14,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiệu hữu của CII Bridge & Road nếu thực hiện thành công theo đúng kế hoạch, thì phần lớn tiền thu được cũng chính là tiền từ “túi” của CII. Bởi lẽ, trong cơ cấu cổ đông của CII Bridge & Road thì công ty mẹ CII nắm đa số cổ phần, với tỷ lệ lên tới 58,72%.

Đương nhiên, việc CII đứng ra bao tiêu các đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu của CII Bridge & Road được coi như một giải pháp an toàn cho sự thành công của các đợt phát hành. Sau đó, CII tìm nhà đầu tư để bán lại, thu tiền về.

Theo thông báo của CII, hiện tại, số lượng cổ phiếu và trái phiếu CII Bridge & Road được các nhà đầu tư thứ cấp chào mua đã vượt quá số lượng mà CII chào bán. Tuy nhiên, việc CII sẽ bán lại được cổ phiếu và trái phiếu CII Bridge & Road để thu tiền thật vẫn chưa có gì chắc chắn, bởi thư chào mua không có giá trị ràng buộc.

Nghi vấn quanh việc cổ đông lớn rút vốn

Trong quý III/2014, đại cổ đông của CII là Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) đã bất ngờ bán ra hơn 2,66 triệu cổ phiếu CII. Việc cổ đông lớn này (sở hữu tới 21% cổ phần) bán cổ phiếu ngay trong thời điểm công ty sắp công bố kết quả kinh doanh và những kế hoạch tương lai đầy tươi sáng là điều giới đầu tư đặt ra nhiều nghi vấn.

Trước sự kiện này, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, HFIC chỉ bán ra số cổ phiếu vừa được chuyển đổi từ trái phiếu chuyển đổi mà CII phát hành năm 2011, chứ không liên quan đến số cổ phần mà HFIC góp vốn vào CII với vai trò là cổ đông sáng lập.

Tin liên quan
Tin khác