Ngành da giày, túi xách đặt mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm 2020. |
Tận dụng tốt FTA
Năm 2019 được xem là năm thành công của ngành da giày Việt Nam, khi kim ngạch xuất khẩu đạt 22 tỷ USD (trong đó giày dép đạt 18,3 tỷ USD, túi xách đạt 3,7 tỷ USD), tăng 12,2% so với năm 2018.
Kết quả này vượt 500 triệu USD so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Các doanh nghiệp giày dép, túi xách đã tận dụng hiệu quả những thị trường mà Việt Nam tham gia ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) để xuất khẩu.
Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), ông Nguyễn Đức Thuấn cho biết, năm 2019, hoạt động xuất khẩu của ngành da giày tăng trưởng ổn định nhờ duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm đã giúp ngành mở rộng thị trường tại khu vực châu Mỹ, với các thị trường tiềm năng như Mexico, Canada, Chi-lê, Pêru…
Liên tục đứng vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc), thời gian qua, ngành da giày đã có những đóng góp quan trọng cho kinh tế đất nước. Đến nay, ngành da giày, túi xách Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới hơn 100 quốc gia, trong đó có 70 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD. Đặc biệt, 5 thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng, chiếm đến 82% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Điểm nổi bật trong hoạt động xuất khẩu của ngành da giày, túi xách năm 2019 là sự vươn lên của khối doanh nghiệp nội. So với 2 năm trước, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện, chiếm 24,2% tổng kim ngạch toàn ngành da giày, trong khi năm 2017 chỉ ở mức 20,7% và năm 2018 là 22,6%.
Tự tin với mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD
Theo các chuyên gia quốc tế, từ năm 2020, nguy cơ đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và các đối tác thương mại khác ở châu Âu, Ấn Độ… sẽ giảm dần và nền kinh tế toàn cầu sẽ trên đà phục hồi.
Lefaso dự báo, năm 2020, ngành da giày, túi xách tiếp tục tận dụng được thời cơ tăng xuất khẩu sang các thị trường chính yếu. Thương chiến Mỹ - Trung hạ nhiệt sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì ổn định và gia tăng đơn hàng xuất khẩu sang cả thị trường Mỹ và Trung Quốc. Khả năng xuất khẩu vượt mức 2 tỷ USD sang thị trường Trung Quốc được đánh giá là khả thi, trong khi thị trường Mỹ được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng 2 con số.
Trong bối cảnh đó, khối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI vẫn đang tiếp tục đầu tư mới và mở rộng sản xuất, giúp ngành da giày duy trì tăng trưởng xuất khẩu.
Công ty TNHH Thành Hưng (Hải Phòng) là doanh nghiệp chuyên sản xuất giày và các sản phẩm phụ trợ ngành giày dép như găng tay cao su, hộp đựng giày…, doanh thu xuất khẩu đạt 50 triệu USD.
Theo số liệu của Tạp chí Wold Footwear, năm 2019 , Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu giày dép với khoảng 1,4 tỷ đôi, chiếm 5,4% tổng sản lượng giày dép toàn thế giới.
Lefaso cho biết, trong 10 năm (2008 - 2018), sản xuất giày dép các loại (Mã HS64) của Việt Nam tăng trưởng mạnh và có sự thay đổi cơ cấu sản phẩm. Năm 2018, giày dép da tăng 67% so với năm 2008, chiếm tỷ trọng gần 24%; giày vải tăng 38,6% so với 2008, chiếm tỷ trọng 6%; giày thể thao các loại tăng 182,6% so với năm 2008, chiếm 70%.
Bà Đoàn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty Thành Hưng cho biết, với năng lực của doanh nghiệp và những khách hàng, thị trường đang có, mục tiêu tăng trưởng giá trị xuất khẩu 10 - 15% trong năm 2020 của Thành Hưng là hoàn toàn khả thi.
Một tên tuổi lớn trong ngành là Tập đoàn TBS cũng đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng trên 10 -13% trong năm 2020. TBS có hệ thống 18 nhà máy sản xuất giày, 3 nhà máy sản xuất đế, 8 nhà máy sản xuất túi trên cả nước; 2 nhà máy tại Myanmar và Indonesia; văn phòng đại diện tại Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc cùng 5 trung tâm phát triển sản phẩm.
Hiện nay, khoảng 95% sản lượng giày dép của Việt Nam phục vụ xuất khẩu. Hầu hết các thương hiệu giày dép quốc tế lớn như Nike, Adidas, Puma, Reebok, New Balance, Solomon, Clarks, Skechers… đều đặt hàng gia công tại Việt Nam.
Vùng sản xuất chính của các doanh nghiệp trong ngành đặt tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, chiếm trên 80% lượng giày dép xuất khẩu toàn ngành. Các doanh nghiệp giày dép, túi xách quy mô lớn, đóng góp nhiều cho xuất khẩu, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI đặt “đại bản doanh” tại một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Quảng Nam… đang tiếp tục gia tăng lượng đặt hàng tại Việt Nam.
Phó chủ tịch Tập đoàn Nike (Mỹ), ông Chris Helzer khẳng định, sau 25 năm thành lập cơ sở tại Việt Nam, Nike xác định, Việt Nam tiếp tục là thị trường quan trọng nhất của Tập đoàn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu, khi có đến 50% sản phẩm của Nike trên toàn cầu sản xuất ở Việt Nam.
Đó là những nền tảng để ngành da giày, túi xách hướng đến những mục tiêu về tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu trong năm 2020.