Hoàn thành 40% kế hoạch kinh doanh sau quý I/2021
Công ty cổ phần sản xuất - kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Ngay trong quý đầu năm, Gilimex đạt 864 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 20%. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 19,4%, thấp hơn mức hơn 23% của quý liền trước nhưng đã tăng mạnh so với quý I/2020 (15,9%).
Gilimex kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất, gia công hàng gia dụng (vải kết hợp nhựa và vải kết hợp kim loại). Theo ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Gilimex, so với cùng kỳ, Công ty đã tăng trưởng về doanh thu, đồng thời, có thay đổi trong cơ cấu mặt hàng xuất bán.
Dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, lợi nhuận sau thuế của Gilimex vẫn tăng 67% so với cùng kỳ, đạt 71,9 tỷ đồng.
So với kế hoạch kinh doanh mà Gilimex dự kiến trình cổ đông tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên dự kiến tổ chức vào 21/5 tới đây, doanh nghiệp này đã hoàn thành 28,8% mục tiêu doanh thu và 40% mục tiêu lợi nhuận. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu cũng ở mức cao, đạt 2.054 đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt gần 1.900 đồng.
Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng của doanh thu, quy mô phải thu khách hàng cũng tăng 18% so với thời điểm đầu năm lên 590 tỷ đồng. Riêng khoản này đã chiếm 21,3% giá trị tổng tài sản của Gilimex (2.760 tỷ đồng). Cùng đó, công ty cũng tăng trữ tồn kho thêm 46 tỷ đồng, tăng đầu tư vào tài sản dài hạn như phương tiện vận tải, tài sản cố định mua sắm mới.
Các yếu tố này đã khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và dòng tiền hoạt động đầu tư của Gilimex ở trạng thái chi vượt thu. Lưu chuyển tiền thuần quý đầu năm đã âm 138 tỷ đồng, riêng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 95 tỷ đồng.
Ngân sách đầu tư năm 2021 dự kiến là 3.500 tỷ đồng
Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, Gilimex còn đang lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp. |
Một trong các nội dung sẽ được Gilimex trình cổ đông thông qua tại cuộc họp thường niên tới đây là ngân sách đầu tư cho năm 2021. Cụ thể, Công ty dự kiến dành ngân sách 1.500 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và 2.000 tỷ đồng vay ngân hàng tài trợ vốn hoạt động. Quy mô ngân sách đầu tư năm 2021 thậm chí còn vượt giá trị tài sản của Gilimex.
Đặt ra kế hoạch cho năm 2021, doanh nghiệp này dự kiến tiếp tục đầu tư phát triển ngành hàng chính (đồ gia dụng), trong đó dự kiến nâng gấp đôi số lượng chuyền may hoạt động. Đến cuối năm 2020, Gilimex có 79 chuyền may, tăng 65% số chuyền may năm 2019. Công ty đã gia tăng đáng kể số chuyền may tại các nhà máy vệ tinh trong năm vừa qua và dự kiến nâng từ 41 chuyền lên 120 chuyền trong năm 2021 này. Cùng với 24 chuyền may tại Nhà máy Bình Thạnh và 17 chuyền may tại nhà máy Thạnh Mỹ, số lượng chuyền may của Công ty dự kiến đạt 165 chuyền.
Định hướng của Công ty là mở rộng tại nhừng vùng có chi phí lao động cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội M&A trong ngành để phát triển công suất, đầu tư chủ động nguồn nguyên phụ liệu.
Bên cạnh ngành nghề chính, tham vọng của Gilimex còn là mảng bất động sản khu công nghiệp với mục tiêu là tại Miền trung với diện tích 460 ha. Giữa tháng 3/2021, công ty con do Gilimex nắm 51% vốn cũng đã được chấp thuận trở thành chủ đầu tư Khu công nghiệp tại Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô sử dụng đất là 460,85 ha.
Gilimex còn dự kiến xin giấy phép xây dựng khách sạn đầu tiên tại Bình Dương. “Công ty hướng đến việc phát triển quỹ đất để lập chuỗi khách sạn phục vụ cho các khu công nghiệp trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng và TP.HCM”, lãnh đạo công ty nêu trong bản báo cáo thường niên gửi đến các cổ đông.
HIện trong cơ cấu nguồn vốn hiện tại, nợ vay hiện chiếm khoảng 50,76% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc gia tăng nợ vay để phục vụ ngân sách đầu tư sẽ sớm đẩy tỷ trọng này lên cao. Nhất là khi quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện chỉ là 360 tỷ đồng. Nguồn vốn từ phần lợi nhuận để lại các năm hiện còn lớn hơn gấp đôi phần vốn góp chủ sở hữu, đạt gần 731 tỷ đồng.