Tại ĐHCĐ bất thường được tổ chức lần thứ ba vừa qua (2/7), GPBank đã không thể thông qua phương án tăng vốn điều lệ để bổ sung phần vốn chủ sở hữu bị âm. Cũng tại Đại hội, NHNN cũng thông báo với cổ đông GPBank sẽ mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng nếu đến hạn chót (4/7) mà ngân hàng vẫn chưa huy động được thêm vốn.
Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, hai ngày nay, GPBank khó có thể xoay chuyển được tình hình, bởi huy động trên 9.000 tỷ đồng để bù đắp phần vốn bị âm là không đơn giản.
Trước đó, ở cả hai lần họp cổ đông thứ nhất và thứ hai, số cổ đông đến tham dự của GPBank đều không đại diện đủ cho số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định.
GPBank đã từng được ngân hàng UOB của Singapore "tìm hiểu", song thương vụ đã thất bại. Đầu năm nay, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cũng đã lên tiếng cảnh báo GPBank nếu không tìm được phương án tái cơ cấu chính mình sẽ được xử lý tương tự VNCB. Các quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB được Ngân hàng Nhà nước đảm bảo sau khi mua lại với giá 0 đồng. Đến nay, VNCB đang hoạt động ổn định.
Và như vậy, có khả năng NHNN mua lại GPBank với giá 0 đồng tương tự VNCB để đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả của ngân hàng này. Quyết định này khả năng sẽ được đại diện NHNN sớm công bố.
Trước đó, NHNN cũng có Quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ một số lãnh đạo của GPBank, cụ thể là chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) và Thành viên HĐQT của ông Tạ Bá Long, ông Đoàn Văn An với chức danh Phó Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, bà Tạ Thu Thủy, chức danh thành viên HĐQT GPBank.
Đồng thời, để đảm bảo hoạt động của GPBank tiếp tục diễn ra bình thường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã Quyết định chỉ định bà Trần Thị Lệ Nga là người đại diện (bao gồm người đại diện theo pháp luật) của GPBank kể từ ngày 08/4/2015.Trước khi được chỉ định, bà Nga là trưởng Ban kiểm soát của ngân hàng này từ năm 2009 đến ngày 14/4/2015.