Viễn thông - Công nghệ
Global IT Challengei giúp 100 trẻ em khuyết tật khởi nghiệp với công nghệ thông tin
Tú Ân - 21/09/2017 23:41
Từ ngày 19/9-21/9, LG đã tổ chức thành công cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu” dành cho thanh thiếu niên khuyết tật năm 2017 - Global IT Challenge

 Đây là hoạt động được khởi xướng bởi Bộ Y Tế và Phúc lợi Hàn Quốc, với sự tham gia tổ chức của Hội Phục hồi Chức năng Người khuyết tật Hàn Quốc (Korean Society for Rehabilitation of Persons with Disabilities- KSRPD) và Tập đoàn điện tử LG. Năm 2017, cuộc thi được tổ chức tại Việt Nam và là một trong các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc.

Global  IT Challenge là cuộc thi công nghệ dành cho thanh thiếu niên khuyết tật đến từ nhiều quốc gia với ý nghĩa thông qua ứng dụng CNTT giúp các em có cơ hội giao lưu, hòa nhập cộng đồng và tìm kiếm cơ hội việc làm.

Cuộc thi giúp đỡ sinh viên khuyết tật ở Châu Á - Khởi nghiệp với công nghệ thông tin


Em Nguyễn Đoàn An, một trong những đại diện đến từ Việt Nam hào hứng chia sẻ: ”Cuộc thi giống như bước đệm giúp em tiến gần hơn đến cánh cửa Đại học và trở thành một biên tập viên hình ảnh trong tương lai”.

Ngoài mục tiêu tạo điều kiện cho các thanh thiếu niên khuyết tật học hỏi, thực hành CNTT, một trong những hoạt động lớn của cuộc thi là phối hợp giữa các cơ quan chính phủ xây dựng kế hoạch hỗ trợ phát triển CNTT cho người khuyết tật ở các nước.

Tham dự cuộc thi năm nay có 100 học sinh khuyết tật tuổi từ 13 đến 19 được lựa chọn từ 16 nước châu Á: 3 quốc gia ở Đông Á (Hàn Quốc, Mông Cổ, Trung Quốc), 6 quốc gia ở Đông Nam Á (Indonesia, Brunei, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam), 5 quốc gia ở Nam Á (Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Pakistan), 2 quốc gia ở Trung Á (Kazakhstan, Uzbekistan).

Các em được chia thành 4 dạng khuyết tật, bao gồm:  khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị và khuyết tật vận động để tham gia cuộc thi với các nội dung, thử thách khác nhau. Với phần thi cá nhân, eTool Challenge dành cho các thí sinh khiếm thính, khuyết tật vận động và trí tuệ sử dụng MS để làm Powerpoint; eLifeMap Challenge lại thách thức khả năng xử lí tình huống thông qua việc tìm kiếm các thông tin trên mạng, độ khó của phần thi sẽ dựa theo dạng tật của các em.  Với phần thi đồng đội (4 thí sinh 1 nhóm) sẽ bao gồm nội dung eDesign Challenge – thiết kế đồ họa và eCreative Challenge – thiết kế, lập trình trò chơi thông qua phần mềm Scratchs.

Các thí sinh sẽ được đánh giá bởi một đội ngũ ban giám khảo bao gồm đại diện đến từ Khoa Kỹ thuật Máy tính thuộc Đại học Quốc gia Seoul và nhiều chuyên gia CNTT từ Trung tâm nghiên cứu và phát triển của LG Electronics. Kĩ năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo khi sử dụng công cụ công nghệ sẽ là những tiêu chí hàng đầu để đánh giá. Ngoài kinh nghiệm quý báu thu được, người chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng bằng tiền mặt để hỗ trợ chi phí học tập trong tương lai.

Ông Kim Young-lak, Tổng Giám đốc LG Electronics Việt Nam chia sẻ về mục tiêu LG tham gia tổ chức  cuộc thi: “Cuộc thi này là nỗ lực của chúng tôi với mong muốn tạo ra tạo cơ hội cho thanh thiếu niên khuyết tật có cơ hội khám phá những năng lực bản thân, cải thiện cuộc sống, có được việc làm và được hòa nhập cùng cộng đồng. Chúng tôi hi vọng, với những cố gắng trên, một xã hội hòa nhập không rào cản và quan tâm đến quyền lợi của người khuyết tật sẽ ngày càng phát triển.”

Từ năm 1992, IT Challenge lần đầu tiên được tổ chức tại Hàn Quốc với phương châm “Không bỏ lại ai phía sau”.
Năm 2011, cuộc thi được phát triển thành quy mô toàn cầu với sự tham gia của nhiều nước ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của Tập đoàn LG.
Qua nhiều năm tổ chức, cuộc thi ngày càng được các Chính phủ hoan nghênh và đánh giá là tác động tích cực không chỉ đối với thanh thiếu niên khuyết tật mà còn giúp hình thành một cộng đồng quốc tế đoàn kết.
Năm nay, Hội Phục hồi Chức năng Người khuyết tật Hàn Quốc (KSRPD) cũng đã thành lập các trung tâm ICT tại tám quận tại Hà Nội nhằm tạo cơ hội việc làm cho khoảng 1.000 người khuyết tật.
Tin liên quan
Tin khác