Ngày 31/5, HoSE nhận hồ sơ niêm yết 135,8 triệu cổ phiếu ACG với vốn điều lệ 1.358,46 tỷ đồng.
Được biết, Gỗ An Cường tiền thân là Công ty TNHH Sản xuất Hàng nội thất Phương Vân Anh, được thành lập năm 2006. Ngày 10/6/2014, Công ty TNHH Sản xuất Hàng nội thất Phương Vân Anh đổi thành CTCP Gỗ An Cường với vốn điều lệ 120 tỷ đồng.
Tính tới 31/3/2021, Công ty có tổng 87,65 triệu cổ phiếu. Trong đó, cổ đông lớn gồm Công ty TNHH Đầu tư NC Việt Nam sở hữu 50,04% vốn điều lệ; Whitlam Holding Pte. Ltd sở hữu 18,06% vốn điều lệ; Sumitomo Forestry (Singapore) Ltd sở hữu 19,61% vốn điều lệ và còn lại 12,29% vốn điều lệ.
Được biết, Gỗ An Cường vừa chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu tỷ lệ 2:1, tương ứng 43,82 triệu cổ phiếu mới được phát hành để nâng vốn điều lệ từ 876,5 tỷ đồng lên 1.358,4 tỷ đồng.
Thực tế, cổ phiếu ACG cũng vừa niêm yết trên sàn UPCoM ngày 4/8/2021 tới nay. Trong đó, thanh khoản cổ phiếu ACG không cao, trung bình 20 phiên giao dịch gần nhất khoảng 56.000 cổ phiếu được khớp lệnh/phiên.
Mới đây, Gỗ An Cường công bố tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, đại hội dự kiến tổ chức ngày 6/6 tại TP.HCM.
Theo đó, trong năm 2022, Gỗ An Cường đặt kế hoạch doanh thu 4.242 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 550,1 tỷ đồng, lần lượt tăng 28,8% và 21,9% so với thực hiện trong năm 2021.
Công ty dự kiến tiếp tục tìm kiếm cơ hội thực hiện M&A các doanh nghiệp cùng ngành hoặc có mối liên hệ ngành để nhanh chóng mở rộng hoạt động, chiếm lĩnh thị trường và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Thêm nữa, công ty dự kiến trong năm sẽ đầu tư 40 tỷ đồng bổ sung và tái đầu tư các nhà máy.
Về cổ tức, năm 2021, Công ty thông qua kế hoạch cổ tức 80%. Trong đó, 50% bằng cổ phiếu đã thực hiện chia trả và Công ty cũng đã tạm ứng cổ tức tiền tỷ lệ 5%. Bước sang năm 2022, Công ty dự kiến cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 20%.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2022, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu đạt 856 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 119,91 tỷ đồng, lần lượt tăng 8,7% và 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 29,6% về còn 29,4%.
Trong kỳ, Công ty ghi nhận lợi nhuận gộp tăng 7,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 18,4 tỷ đồng lên 251,7 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 19,1%, tương ứng tăng thêm 6,63 tỷ đồng lên 41,42 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 3,9%, tương ứng giảm 5,55 tỷ đồng về 138,3 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Như vậy, so với kế hoạch lợi nhuận 550,1 tỷ đồng, kết thúc quý đầu năm, Gỗ An Cường hoàn thành được 21,8% kế hoạch lợi nhuận năm.
Mặc dù lợi nhuận tăng nhưng dòng tiền kinh doanh chính công ty tiếp tục âm. Cụ thể, quý I/2022, dòng tiền kinh doanh chính âm 29,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 15,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 207,4 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 192,6 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Tính tới 31/3/2022, tổng tài sản của Gỗ An Cường tăng 3,1% so với đầu năm lên 5.136,7 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 1.572,5 tỷ đồng, chiếm 30,6% tổng tài sản; tồn kho đạt 1.428,3 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 562,3 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn đạt 512,8 tỷ đồng, chiếm 10% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 507,5 tỷ đồng, chiếm 9,9% tổng tài sản và các tài sản khác.
Thêm nữa, trong quý đầu năm, Gỗ An Cường tăng vay nợ ngắn hạn 37,9% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 214,62 tỷ đồng lên 781,6 tỷ đồng và chiếm 15,2% tổng nguồn vốn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/6, cổ phiếu ACG đóng cửa giá tham chiếu 68.900 đồng/cổ phiếu.