Thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, dự báo năm 2024 đạt 9,5 - 10 tỷ USD |
Áp trần chi phí lãi vay không hợp lý
Tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản thuộc Hiệp hội, VASEP cho hay, áp trần chi phí lãi vay là bất hợp lý đầu tiên liên quan quy định pháp lý.
Cụ thể, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nêu khái niệm doanh nghiệp có giao dịch liên kết là “một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay”.
Theo VASEP, hiện chưa có quy định/hướng dẫn trong kiểm dịch thủy sản nhập khẩu về “chuyển mục đích sử dụng” đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.
Trong khi đó, quy định về chuyển mục đích sử dụng như trên là tương đồng với các quy định pháp lý hiện hành trong các lĩnh vực tương tự khác như Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 và Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 về thủ tục hải quan và kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Cụ thể, các hàng hóa nhập khẩu không chịu thuế vẫn được phép chuyển mục đích sử dụng, miễn là người khai hải quan phải khai lại tờ khai hải quan mới và phải tuân thủ đúng chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, chính sách thuế đối với hàng hóa đó theo loại hình nhập khẩu mới.
VASEP cho rằng, đây là một khoảng trống trong quy định pháp lý cần khắc phục để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới khởi nghiệp, nên vốn vay ngân hàng là nguồn vốn chính để đầu tư, phát triển. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, ngoài nguồn vốn vay, các kênh huy động vốn từ thị trường tài chính gần như không hiệu quả.
Theo VASEP, việc quy định giao dịch vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay dài hạn để đầu tư là giao dịch liên kết, từ đó áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý, gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong giai đoạn mới đầu tư. Giao dịch cho vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp cần được nhận định là hoạt động kinh doanh bình thường, với sản phẩm là nguồn vốn. Việc áp trần chi phí lãi vay sẽ khiến doanh nghiệp không có đủ tiềm lực ngại đầu tư, đổi mới công nghệ, trong khi đầu tư, đổi mới là yêu cầu sống còn cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế đất nước nói chung.
Hoang mang vì quy định “không trộn lẫn”
Nghị định số 37/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có quy định doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản “không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu”.
VASEP cho rằng, quy định này gây hoang mang cho doanh nghiệp, vì không biết khái niệm “trộn lẫn nguyên liệu” trong “cùng một lô hàng xuất khẩu” được hiểu như thế nào mới đúng, bởi tại Luật Thủy sản và nghị định liên quan không có định nghĩa cụ thể về hành vi “trộn lẫn nguyên liệu”.
Thực tế, đối với doanh nghiệp, việc sản xuất ra thành phẩm một lô hàng có nguyên liệu từ nhiều loài, nhiều mặt hàng, từ các nguồn khác nhau như khai thác và nhập khẩu là hoàn toàn bình thường và là một thông lệ trong giao thương quốc tế hiện nay, miễn sao đó là những nguyên liệu, mặt hàng được chứng minh là không vi phạm Quy định Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), được kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và có đủ giấy tờ cần thiết để xuất khẩu.
Đơn cử, việc ghép hàng container khá phổ biến và là thông lệ thương mại quốc tế. Khách hàng có thể đặt và yêu cầu giao 1 container gồm 10 tấn cá ngừ, 5 tấn cá phèn và 5 tấn cá nục. Trong đó, cá ngừ từ nguồn nhập khẩu; cá phèn, cá nục được thu mua từ ngư dân trong nước. Tất cả đều có giấy tờ chứng minh hợp pháp, hợp lệ, không vi phạm.
Nếu doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, thì bắt buộc phải tách container trên thành 2 container: 1 container cá ngừ và 1 container cá phèn, cá nục.
Theo VASEP, nếu áp dụng quy định này, doanh nghiệp phải trả gấp đôi chi phí cước tàu vận chuyển bằng đường biển ra nước ngoài, phát sinh gấp đôi nguồn lực và chi phí quản lý/thông quan của cả doanh nghiệp cùng nhà nhập khẩu ở nước ngoài.
“Không chỉ phát sinh thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, mà đặc biệt, Hiệp hội và doanh nghiệp cũng chưa thấy phương thức/quy định này của các nước cùng đang xuất khẩu hải sản khai thác vào EU”, đại diện VASEP nêu.
Vướng mắc cấp chứng nhận an toàn thực phẩm để chế biến xuất vào EU
Các doanh nghiệp thủy sản cho hay, hiện nay, lô hàng thành phẩm của họ sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand chưa được cơ quan thẩm quyền (Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị thuộc Cục) ghi nhận là đáp ứng yêu cầu nhằm giải quyết các thủ tục cần thiết cấp chứng nhận an toàn thực phẩm (H/C) cho việc xuất khẩu lô hàng sang EU.
Lý do, nội dung trên giấy H/C nhập khẩu cấp bởi cơ quan thẩm quyền của New Zealand không đầy đủ/tương thích với mục XI - Chương trình xuất khẩu thủy sản vào EU ban hành kèm theo Quyết định số 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, châu Âu và New Zealand lại có thỏa thuận song phương về các biện pháp vệ sinh áp dụng đối với trao đổi thương mại động vật sống và sản phẩm động vật, được quy định tại Quyết định số 97/132/EC (ký ngày 17/12/1996) và một số quyết định bổ sung, hướng dẫn bao gồm cả chi tiết tại Quyết định EU 2015/1084 (ký ngày 18/2/2015). Các lô hàng thủy sản xuất khẩu từ New Zealand sang EU vẫn được diễn ra bình thường và thực hiện theo Quyết định số 97/132/EC với mẫu H/C kèm lô hàng được thống nhất giữa EU và New Zealand.
Lê thê việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác của các cảng cá
Theo các doanh nghiệp thủy sản, hiện nay, việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) tại cảng cá sau khi doanh nghiệp đưa nguyên liệu về nhà máy ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian, thậm chí nhiều lô kéo dài đến 2 - 3 tháng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.
VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thay đổi quy định về cách tiếp cận trong việc xác nhận S/C tại cảng cá trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Đó là cấp giấy S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá. Việc này là mấu chốt giải quyết nhiều bất cập, nút thắt hiện nay trong quá trình kiểm soát IUU.
Quy định Kích thước tối thiểu làm doanh nghiệp “đói” nguyên liệu
Từ trao đổi và phản ánh của các doanh nghiệp, VASEP cho hay, phụ lục V của Nghị định số 37/2024/NĐ-CP quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên là không phù hợp.
Ví dụ, quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác đối cá ngừ vằn là 500 mm. Chiều dài này tương đương size 5 - 7 kg/con, trong khi tiêu chuẩn quốc tế đối với loài cá ngừ vằn là size 1,8 - 3,4 kg/con. Các loại cá ngừ vằn để sản xuất đồ hộp có trọng lượng trung bình 1,8 - 3,4 kg. Thực tế, nhiều tàu khai thác cá ngừ vằn có size dưới 1 kg và khách hàng thường chuộng các sản phẩm đóng hộp từ nguyên liệu cá size nhỏ.
Tại Quy định (EU) 2019/1241 về bảo tồn của châu Âu, cũng không tìm thấy quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn, mà chỉ có một số loài nhạy cảm; kích thước tối thiểu cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó. Nội dung cơ bản là EU bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng các biện pháp như hạn ngạch (quota), thời gian cấm biển, nghề khai thác, chứ không thuần túy chỉ bằng kích thước tối thiểu.
Bởi vậy, VASEP cho rằng, khi Nghị định số 37/2024/NĐ-CP có hiệu lực, ngư dân sẽ gặp không ít khó khăn, từ việc thay đổi ngư cụ mới có kích thước mắt lưới phù hợp, đến việc ghi chép nhật ký, khai báo và kiểm soát size (kích cỡ) của các loài cá mà ngư dân khai thác được. Cùng với đó, các đại lý và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sẽ không có hoặc thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu phù hợp, cần thiết để thu gom và xuất khẩu.
Trước những vướng mắc nói trên, mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản 5029/VPCP-TH ngày 16/7/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái.
Theo đó, Phó thủ tướng giao các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét, giải quyết 3 điểm vướng cho doanh nghiệp, ngư dân, gồm: quy định áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập không hợp lý; thủ tục cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác kéo dài; quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản.