Gỗ Trường Thành được đánh giá vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giá các loại gỗ nguyên liệu và chi phí vận chuyển có xu hướng tăng thời gian qua sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. |
Kết thúc quý I/2022, báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành) cho biết, doanh thu thuần đạt 536,3 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận gộp theo đó cũng tăng gấp hơn 2 lần, lên 74,8 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 11,5% lên 13,9%. Sau khi khấu trừ chi phí bán hàng và quản lý, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính thu về chỉ 20,1 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Gỗ Trường Thành tăng đột biến gấp 8 lần, lên 24 tỷ đồng, chủ yếu do Công ty ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá (21,3 tỷ đồng). Sự gia tăng đột biến tại khoản mục này là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận sau thuế trong quý đạt 18,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ (đạt 15,2 tỷ đồng), cải thiện đáng kể so với mức lỗ 40 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, Gỗ Trường Thành đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức 2.268,85 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Với kết quả đạt được sau quý đầu tiên, Công ty đã hoàn thành 25,4% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra.
Doanh thu và biên lợi nhuận gộp cải thiện, hoạt động kinh doanh chính có lãi là những điểm tích cực trong bức tranh kinh doanh của Gỗ Trường Thành. Tuy vậy, so với quy mô tài sản, nguồn vốn, con số này vẫn còn khá nhỏ và dự kiến cần nhiều năm mới có thể bù đắp số lỗ lũy kế đến hơn 3.037,2 tỷ đồng, tính đến thời điểm 31/3/2022. Bức tranh tài chính của Công ty cũng còn nhiều khó khăn.
Tính đến cuối quý I/2022, Gỗ Trường Thành có quy mô tổng tài sản 2.779,5 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả lên đến 2.305,7 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản người mua trả tiền trước trị giá 1.143,2 tỷ đồng, chủ yếu là từ CTCP Vinhomes với 1.032,3 tỷ đồng. Theo thỏa thuận nguyên tắc tháng 5/2017, nhóm công ty của Gỗ Trường Thành được chỉ định là nhà cung cấp chiến lược các sản phẩm gỗ phục vụ các dự án của Vingroup và các công ty con với tổng giá trị lên đến 16.000 tỷ đồng. Vingroup và công ty con là Vinhomes cũng ký thỏa thuận đặt cọc với số tiền lần lượt là 70,4 tỷ đồng và 1.032,3 tỷ đồng.
Mặc dù ghi nhận là người mua trả tiền trước, nhưng số tiền 1.032,3 tỷ đồng này, Gỗ Trường Thành đang phải trả lãi tham chiếu theo lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng của Vietcombank, khiến thực tế khoản trả trước này tương đương với khoản đi vay nhưng có lãi suất ưu đãi. Tính đến cuối quý I/2022, Gỗ Trường Thành cũng đang ghi nhận 257,2 tỷ đồng lãi vay và đặt cọc phải trả, trong đó có 185,4 tỷ đồng là lãi ứng trước từ Vinhomes.
Trong khi các nghĩa vụ nợ còn khá đáng kể, dòng tiền hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành lại liên tục kém khả quan trong nhiều năm. Trong 2 năm 2018-2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh tuy thặng dư nhưng khá nhỏ, với chỉ 20-30 tỷ đồng/năm. Trong năm 2020 và 2021, dòng tiền này âm lần lượt 170 tỷ đồng và 253 tỷ đồng. Để bù đắp dòng tiền cho hoạt động kinh doanh cũng như đáp ứng nhu cầu đầu tư và trả nợ, Công ty đã phải liên tục thực hiện các đợt phát hành riêng lẻ.
Tính đến cuối quý I/2022, lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng các loại của Gỗ Trường Thành ở mức thấp với 191,3 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn đang vượt hơn 373 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn.
Chia sẻ về biện pháp khắc phục khó khăn về nguồn vốn, Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, dự kiến phát hành riêng lẻ 41,12 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để bổ sung vốn lưu động, chuyển nhượng các công ty trồng rừng không phù hợp với định hướng phát triển, thu hồi công nợ, thanh lý hàng tồn kho, tài sản không hiệu quả và gia hạn thỏa thuận chỉ định nhà cung cấp chiến lược với Vingroup đến tháng 5/2027, theo đó khoản tiền đã nhận đặt cọc từ Vingroup cũng sẽ được gia hạn đến thời gian trên.
Lãnh đạo Công ty dự kiến tiếp tục nâng công suất tất cả nhà máy tại Bình Dương từ 100 tỷ đồng/tháng lên 140 tỷ đồng/tháng doanh thu để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng trong năm 2022; thuê lại nhà máy ván MDF/PB tại Bình Dương với công suất 90.000 m3 MDF và 50.000 m3/tháng để tự chủ nguồn nguyên liệu. Đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng xuất khẩu và các nhà phát triển bất động sản lớn trong nước và mở rộng hợp tác để đa dạng hóa tệp khách hàng.
Tuy vậy, bức tranh kinh doanh của Gỗ Trường Thành được đánh giá vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giá các loại gỗ nguyên liệu và chi phí vận chuyển có xu hướng tăng thời gian qua sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Tại thị trường nội địa, việc nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn về nguồn vốn cũng như vấn đề pháp lý dẫn đến nguy cơ bị chậm tiến độ, đối tác có thể gặp khó khăn về dòng tiền thanh toán.