Thông tin CPI tháng 7 của Mỹ chính thức công bố, ghi nhận tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021 và đi ngang so với tháng 6, số liệu này thấp hơn dự kiến ban đầu. Nhiều dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có dư địa để xem xét lại mức độ cũng như lộ trình nâng lãi suất để hỗ trợ hồi phục kinh tế tốt hơn. Điều này giải tỏa tâm lý nhà đầu tư khá tốt.
Thanh khoản trong tuần qua giảm nhẹ so với tuần trước, vẫn duy trì trên mức trung bình 20 tuần gần nhất. Nhưng điểm tích cực ghi nhận là có nhiều phiên giao dịch có thanh khoản đạt mức cao nhất kể từ tháng 5. Đây cũng được xem là yếu tố tích cực trong thời gian tới.
Về góc độ kỹ thuật, xu hướng tăng điểm ngắn hạn và trung hạn vẫn tiếp tục được duy trì. Ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-Index là vùng đỉnh cũ 1.270 điểm và ngưỡng kháng cự quan trọng MA 20 tuần của chỉ số là 1.285 điểm.
Xét về góc nhìn trung và dài hạn, thị trường vẫn đang hình thành vùng tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình nhiều năm.
Trong tuần qua, thị trường có phiên chỉnh nhẹ 11/8 và bất ngờ hồi phục ngay trong phiên 12/8, nhiều ý kiến cho rằng, sau liên tục nhiều phiên tăng điểm và chưa có phiên chỉnh đáng kể thì điều chỉnh là bình thường. Dự kiến tuần sau cũng có thể có rung lắc, nhưng chính là cơ hội để mua cổ phiếu.
Về cơ hội đầu tư, có thể xem xét chọn lọc giải ngân, tích lũy đối với những cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng trong quý III/2022 (dựa trên báo cáo quý II tăng trưởng tốt và đang thu hút dòng tiền ngắn hạn gia tăng).
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến thị trường cũng cho thấy “sức mạnh” của nhiều cổ phiếu, điển hình là VGC đã vượt đỉnh giá lịch sử ở thời điểm thị trường tạo đỉnh tháng 4/2022, trong khi VN-index chỉ mới hồi phục khoảng 10% từ đáy. Điều này mang đến kỳ vọng của nhà đầu tư với nhóm bất động sản khu công nghiệp nói riêng và với các công ty vẫn duy trì tăng trưởng nói chung trên thị trường.
Thông thường, sau mùa báo cáo tài chính quý II, thì tháng 8 là tháng vùng trũng thông tin, nhưng cũng là khoảng thời gian để thị trường có thêm cơ sở xem xét lại định giá. Dòng tiền thông minh sẽ luân chuyển giữa các nhóm ngành, chảy vào nhóm ngành hưởng lợi, doanh nghiệp tăng trưởng… và từ đó kỳ vọng xa hơn một chút cho quý III/2022.
Năm nay, một số nhóm ngành đang được phần lớn các công ty chứng khoán khuyến nghị gồm:
Nhóm ngân hàng là nhóm có kết quả kinh doanh 6 tháng năm tăng trưởng tích cực, và dự báo nửa cuối năm vẫn có tăng trưởng tốt. Nhóm “cổ phiếu vua” kỳ vọng sẽ dẫn dắt đà tăng của thị trường nhờ giá vẫn ở vùng chiết khấu tốt.
Thứ hai là nhóm hưởng lợi từ đầu tư công cũng là động lực tăng trưởng chính trong nửa cuối năm 2022. Ngoài ra, nhóm ngành hưởng lợi gián tiếp cũng được lựa chọn như ngành thép, bất động sản.
Và thứ ba là nhóm dầu khí vẫn đáng quan tâm, hút tiền, dự kiến giá dầu neo vùng 90 USD/thùng.