Tài chính - Chứng khoán
Góc nhìn TTCK tuần 18-22/4: Nên ưu tiên mã có cơ bản tốt, kế hoạch tăng trưởng
Phan Hằng - 17/04/2022 15:32
Hoạt động mua vào cũng cần cân nhắc kỹ do thị trường vẫn đang tiềm ẩn những biến động bất thường, ưu tiên những mã có nền hỗ trợ tốt và có thể thu hút được dòng tiền.

Với tâm lý giao dịch tiếp tục thận trọng, các chỉ số chính của thị trường duy trì giằng co quanh mốc tham chiếu trong phần lớn phiên giao dịch cuối tuần. Tuy nhiên, áp lực bán tiếp tục gây sức ép vào cuối phiên, khiến thị trường chìm sâu trong sắc đỏ. Kết phiên, VN-Index giảm 13,56 điểm (-0,92%) và chốt tại 1.458,56 điểm. Thanh khoản cải thiện so với phiên trước với 639,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE.

Trong nhóm VN30, áp lực bán thể hiện rõ nét hơn và giảm 1,6% khi kết phiên. Trong nhóm có 22 mã giảm giá và 7 mã tăng giá. Ảnh hưởng lớn đến chỉ số là nhóm Ngân hàng, như TCB (-3,6%), VPB (-2,5%), MBB (-2,8%), TPB (-4,4%), HDB (-3,7%) … Ở nhóm tăng giá, đừng đầu là BVH đóng cửa tăng kịch trần, theo sau là GVR (+4,2%), GAS (+3,1%), SAB (+1%), MWG (+0,4%) …

Trên toàn thị trường, sắc đỏ chiếm ưu thế với khá nhiều mã giảm giá, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường là nhóm Ngân hàng, Bất động sản, Chứng khoán. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành có diễn biến khá tốt trong phiên như nhóm Bảo hiểm, Cao su, Dệt may.

Khối ngoại quay lại mua ròng nhẹ trên sàn HOSE với giá trị 97,2 tỷ. Nổi bật là VPB (+75,6 tỷ), tiếp đến là CTG (+64,2 tỷ), DPM (+55,4 tỷ), CII (+53,1 tỷ), GEX (+45,5 tỷ) ... Phía bán ròng, nhiều nhất là HPG (-186,5 tỷ), tiếp theo là SSI (-67 tỷ), VND (-43,2 tỷ), TPB (-36,8 tỷ), YEG (-36 tỷ) ...

Mặc dù thị trường kết phiên gần mức giá thấp nhất trong phiên nhưng cũng đã lùi trở lại gần vùng hỗ trợ, vùng 1.450 điểm đối với VN-Index và vùng 1.480 điểm đối với VN30-Index. Chuyên gia Rồng Việt cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục động thái bắt giá thấp trong phiên giao dịch tiếp theo và giúp hỗ trợ cho thị trường.

Theo đó, nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường sẽ được hỗ trợ và hồi phục nhưng cần theo dõi sát diễn biến thị trường. Hoạt động mua vào cũng cần cân nhắc kỹ do thị trường vẫn đang tiềm ẩn những biến động bất thường, ưu tiên những mã có nền hỗ trợ tốt và có thể thu hút được dòng tiền. Ngoài ra, vẫn nên cẩn trọng đối với nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao.

Trong bối cảnh giảm mạnh như vậy, một diễn biến sau đó cho thấy, cốt lõi của thị trường vẫn phải đến từ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, rất nhiều cổ phiếu đã hồi phục nhanh chóng, thậm chí chạm trần ngay trong phiên hồi đầu tiên 13/4. Điển hình có thể kể đến như DGC, hay nhóm phân bón DCM, DPM, tiêu dùng bán lẻ như DGW, MWG, FRT, PNJ, ….

Theo báo cáo Dragon Capital, thận trọng nhưng vẫn dự báo kết quả kinh doanh cả năm sẽ tăng khoảng 15% đối với các DNNY. Trong đó, nhóm ngân hàng có thể đạt trung bình tăng trưởng 20-25% - cao hơn mặt bằng chung của thị trường, nhưng lại đang bị dòng tiền bỏ quên.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam có quan điểm lạc quan hơn, bởi năm 2021 tăng trưởng toàn thị trường trên 35%, đáng chú ý, các nhóm ngành trụ như VN50 -VN100 có tăng trưởng hơn 40% năm trước, và năm nay nếu về 20% vẫn là thận trọng. Theo đó, dự báo của Dragon khả năng cao xảy ra, và thậm chí có thể vượt.

Với ngân hàng, giá cổ phiếu đang ở đáy trong 6 tháng qua, trong những thời điểm quan trọng như các chỉ số chính vượt đỉnh thì nhóm này mới thể hiện vai trò rõ nét. Nếu nhóm này không tăng mạnh thì Index khó vượt đỉnh. Nhưng ngành ngân hàng điểm rơi lợi nhuận không phải quý 4, mà là quý 2 và quý 3. Như năm 2021, quý 2 rất hoành tráng, cổ phiếu ngân hàng cũng tăng nhiều và dẫn dắt thị trường phá đỉnh lịch sử.

“Tôi cho rằng, điều này có thể lặp lại trong năm nay. Sắp tới ĐHCĐ của các ngân hàng rồi, kết quả dự báo ngành ngân hàng cũng khả quan, hầu hết các ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng trên 30% - khá ấn tượng. Năm 2021 ngành này cũng tăng trưởng hơn 30%- theo đó, ngành ngân hàng là lựa chọn tốt ở giai đoạn quý 2”, ông Ngọc nói.

Nhìn lại diễn biến thị trường trong tháng 3 rung lắc và giằng co tại kênh giá 1.440 – 1.520 do thiếu đi các thông tin vĩ mô hỗ trợ., đầu tháng 4 thì thị trường cho diễn biến khả quan hơn khi dòng tiền tham gia mạnh mẽ ở nhóm Diamond, giúp Vnindex bật tăng tích cực đầu tháng.

Chuyên gia chiến lược SSI, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm cho rằng, trong tháng 4, về góc nhìn phân tích kỹ thuật, khu vực 1.520 điểm là mốc quan trọng để quan sát chỉ số Vnindex, nếu chính phục với thanh khoản tốt thì chỉ số duy trì đà tăng, hướng về vùng cũ là 1.537 điểm. Tuy nhiên, ngược lại, không thể duy trì trên 1.520 điểm này, thì chỉ số sẽ quay lại trạng thái giằng co như trong tháng 3.

Đối với VN Diamond là rổ cổ phiếu gồm đại diện các nhóm gần full room ngoại (gần hết tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài), cũng như các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn, do đó khi có dòng tiền giải ngân tốt thì sẽ kéo theo sự tăng điểm của Vnindex. Nhưng, cần lưu ý, trạng thái dòng tiền giải ngân ở VN Diamond chỉ xuất hiện trong ngắn hạn.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã rục rịch công bố kết quả kinh doanh, chuyên gia SSI cho rằng, câu chuyện kết quả kinh doanh quý 1 các lĩnh vực ghi nhận tăng trưởng tốt như bán lẻ, thủy sản, dệt may, phân bón, xăng dầu, và cảng biển – vận tải biển cũng tăng trưởng dựa trên tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu và cước vận tải neo ở mức cao  trong quý đầu năm.

Nhưng nhóm ngành mang nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư là nhóm ngân hàng, nhóm vốn hóa lớn nhất trên thị trường hiện nay. SSI Reasearch cho rằng, nhóm ngân hàng quốc doanh như VCB, CTG có khả năng trạng thái thận trọng về KQKD quý 1 do cơ sở so sánh cao trong quý 1/2020, còn các ngân hàng khác trong danh sách theo dõi có thể ghi nhận mức tăng 25-27% so với cùng kỳ.

Ông Tâm cho biết, cơ sở cho các con số kể trên đến từ tăng trưởng tin dụng ở mức cao 15-16% so với cùng kỳ, hệ số NIM ổn định so với quý 4/2021, nợ xấu và các khoản vay tái cơ cấu nhìn chung dần xử lý và kiểm soát từ quý 4 tới nay.

Mùa đại hội cổ đông là cơ hội để  nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư cho cả năm nhưng ông Tâm khuyến nghị nhà đầu tư cần trả lời được câu hỏi, tăng trưởng lợi nhuận năm nay ra sao, có kế hoạch phát hành tăng vốn hay thoái vốn, có kế hoạch chuyển sàn niêm yết hay không, và chính sách cổ tức của doanh nghiệp.

Tháng 4 lựa chọn cổ phiếu có tính cơ bản cao và được xác nhận bởi kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao năm nay. Danh mục được chuyên gia SSI đưa ra gồm IDC, HAH, FPT, NT2, VPB, QNS, MSH, MBB, MWG.

Trong đó, IDC với kế hoạch tăng trưởng mạnh, và có kế hoạch chuyển sàn từ HNX sang HOSE.

Hay MSH có nhiều câu chuyện hấp dẫn như nhà máy SH10 hoạt động giúp công suất đơn hàng FOB tăng thêm 30%, giá các đơn hàng tăng 5-10% dựa trên chi phí đầu vào gia tăng; hoạt động tái mở cửa tại Mỹ tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho kinh doanh của MSH, và định giá của MSH thì đang giao dịch tại mức PE fw 2022 lfa 9,4 lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình ngành là 11 lần – mức hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu ngành.

Tin liên quan
Tin khác