Tài chính - Chứng khoán
Góc nhìn TTCK tuần 28/10 -1/11: Nhịp điều chỉnh có thể còn tiếp diễn
Phan Hằng - 27/10/2024 14:32
Chỉ số Vn-Index đánh mất xu hướng tăng kể từ đầu tháng 8/2024 ở khu vực 1.280 điểm là dấu hiệu đáng chú ý. Nhịp điều chỉnh có thể còn tiếp diễn để kiểm tra vùng đáy tháng 9 hoặc retest ngưỡng hỗ trợ MA200 lần thứ 3.

Chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm điểm trong tuần vừa qua khi giới đầu tư tìm kiếm các tài sản an toàn như: Vàng hoặc USD để phòng ngừa rủi ro trước thềm bầu cử ở Mỹ, bầu cử ở Nhật, và các cuộc họp chính sách tiền tệ sắp tới của 3 ngân hàng trung ương lớn.

Giới phân tích cho rằng thị trường sẽ còn biến động khó lường trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11. Mức độ bất định liên quan tới cuộc bầu cử này đang lớn, bởi kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy khả năng thắng cử của cựu Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris có sự chênh lệch không lớn.

Với thị trường trong nước, có tuần giảm mạnh nhất trong vòng 4 tuần trở lại đây, chốt tuần ở mức 1.252,72 điểm, giảm - 32,74 điểm, tương đương mất -2,55% so với tuần trước. Mức giảm chủ yếu tập trung ở nhóm VN30 khi chỉ số này để mất - 2,7% giá trị, trong khi Midcap và Smallcap chỉ có mức giảm, lần lượt -1,5% và -1,6%. 

Độ rộng thị trường có thấy áp lực bán diễn ra trên diện rộng khi chỉ số Vn-Index để mất xu hướng tăng kể từ tháng 8, ngược dòng thị trường là nhóm cổ phiếu bất động sản

Khối ngoại bán ròng -1.183 tỷ đồng, nâng lũy kế bán ròng kể từ đầu năm lên mức -70.380 tỷ đồng.Tuần vừa qua, ETF Fubon bán ròng 3,77 triệu USD, một số cổ phiếu có tỷ trọng cao trong ETF này gồm: HPG (10,5%), VHM (9,5%), VIC (8,5%), …

Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần vừa qua còn 16.782 tỷ đồng, giảm -4,9% so với tuần trước đó, ghi nhận mức thấp nhất 6 tuần vừa qua. Theo thống kê, lũy kế từ đầu năm, thanh khoản trung bình đạt 22.581 tỷ đồng, tăng 28,9% so với năm 2023 và tăng 31% so với cùng kỳ.

MBS Research cho rằng, chỉ số Vn-Index đánh mất xu hướng tăng kể từ đầu tháng 8 ở khu vực 1.280 điểm là dấu hiệu đáng chú ý, hệ quả là dòng tiền trở nên thận trọng ở các nhịp hồi ngắn dù chỉ số này đã giảm hơn 50 điểm kể từ đỉnh tháng 10. 

Thanh khoản đang đến giai đoạn cạn kệt như đáy tháng 9 vừa qua ở vùng 14-15 nghìn tỷ (thấp nhất 12 nghìn tỷ). Do vậy, trong kịch bản chỉ số VN- Index điều chỉnh đến vùng hỗ trợ 1.240 điểm (+/-3 điểm), thanh khoản càng thấp sẽ là tín hiệu tích cực, nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò.

Đáng chú ý, việc chỉ số Dollar tăng 4% trong vòng 1 tháng trở lại đây, mức cao nhất gần 4 tháng khiến tỷ giá USD/VND lại “nổi sóng” và đồng điệu với nhịp tăng của giá vàng trong nước, đang là nhân tố gây trở ngại cho thị trường trong ngắn hạn. 

Tuần vừa qua, NHNN tiếp tục hút ròng hơn 41,6 nghìn tỷ đồng thanh khoản hệ thống nhằm nâng mặt bằng lãi suất liên ngân hàng, qua đó hỗ trợ kiểm soát tỷ giá trong bối cảnh giá USD đã duy trì đà tăng 3 tuần liên tiếp. 

Động thái hút ròng của NHNN đã khiến lãi suất liên ngân hàng bật tăng trong tuần vừa rồi. 

Chuyên gia MBS Research đánh giá, tình hình này nếu kéo dài có thể tác động tiêu cực lên xu hướng lãi suất, nhất là giai đoạn cuối năm thanh khoản hệ thống cũng thường đối mặt với áp lực gia tăng.

Yếu tố mùa vụ đang chi phối thị trường trong tháng 10, so với 2 năm trước mức điều chỉnh của thị trường hiện tại tương đối nhẹ nhàng. Hiện thị trường không có thông tin hỗ trợ và dòng tiền kiên nhẫn chờ đợi phản ứng của thị trường ở các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. 

Theo đó, MBS Research cho rằng, nhịp điều chỉnh có thể vẫn còn tiếp diễn để thị trường kiểm tra vùng đáy tháng 9 hoặc retest ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật MA200 lần thứ 3 trong kịch bản chứng khoán thế giới chuẩn bị cho 2 tuần đầy biến động, sẽ là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn được cổ phiếu tiềm năng cho thời điểm hồi phục tháng 11. 

Kể từ năm 2017 đến nay, chỉ số Vn-Index đang có chuỗi tăng 4 năm liên tiếp và đã tăng 6 trong 7 năm gần đây.

MBS Research khuyến nghị cơ hội đầu tư đối với các cổ phiếu đang tạo nền tích lũy với thanh khoản thấp, hoặc nhóm cổ phiếu đã giảm qua ngưỡng 1.240 điểm như: Viettel, Thủy sản, Ngân hàng, Bất động sản, Thực phẩm, v.v…

Còn theo Agrisesco Research, “80% cổ phiếu thường có xu hướng tương đồng với chỉ số chính”. Trong điều kiện xu hướng ngắn hạn đã trở thành giảm điểm và chưa có xác nhận đảo chiều hay tạo đáy sớm, nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp hồi phục sớm, đặc biệt là những cổ phiếu suy yếu nhanh hơn thị trường (gãy các hỗ trợ/đáy gần trước VN-Index). 

Việc duy trì tỷ trọng tiền mặt ở mức cao sẽ giúp nhà đầu tư linh hoạt hơn cho danh mục, chuẩn bị nguồn lực để giải ngân khi thị trường xác nhận tạo đáy.

Tin liên quan
Tin khác