Tâm điểm chung của thị trường hiện tại là ảnh hưởng chung của thị trường tài chính toàn cầu khi bức tranh về vĩ mô đang không chắc chắn.
Số liệu về tăng trưởng GDP tốt hơn kỳ vọng của thị trường chung đi cùng với nỗi lo lạm phát chưa thực sự đẩy lùi khiến cho những biến động của chỉ số sức mạnh USD và lợi suất trái phiếu 10 năm tại Mỹ tiệm cận vùng đỉnh - không ủng hộ cho xu hướng của thị trường chứng khoán.
Nguồn SSI Research |
Chỉ số SP500 có tuần điều chỉnh thứ 2 liên tiếp và đánh mất vùng đáy ngắn hạn hình thành trước đó.
Những biến động này đi kèm với sự phân hóa chính sách tiền tệ giữa Việt Nam và các nền kinh tế lớn cũng đâu đó cũng tạo thêm áp lực tỷ giá hiện hữu qua đó gia tăng áp lực cho tâm lý thị trường. Đây là biến số mà giới đầu tư đang rất quan tâm và tạo nên mối lo bao trùm lên thị trường thời gian qua.
Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu theo cơ chế đấu thầu lãi suất, mức lãi suất trúng thầu là 1,45% ở phiên gần nhất. Điều đáng nói, khối lượng thực hiện ít hơn so với khối lượng tín phiếu hết hạn trong tuần qua. Sự chênh lệch này tạo ra thanh khoản ròng trả lại cho hệ thống ngân hàng, khiến cho tổng khối lượng tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước giảm xuống dưới mức 200.000 tỷ đồng.
Nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước đạt được một phần mục tiêu trong việc thu hẹp chênh lệch lãi suất qua đêm giữa VND và USD. Tỷ giá trong những phiên cuối tuần đang ổn định lại, dù chưa đáng kể.
Áp lực ngắn hạn trên thị trường khá rõ nét, giới đầu tư cũng đang quan tâm nhiều hơn tới câu chuyện trung và dài hạn hơn của nền kinh tế. Sự kiện đáng chú ý là khai mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới đang đối diện với nhiều thách thức.
Với năm 2023, Việt Nam ước tính sẽ ghi nhận mức tăng trưởng GDP là 5% và lạm phát dự kiến dưới ngưỡng 4,5%. Con số tăng trưởng này nhìn chung chưa đạt kỳ vọng GDP 6-6,5. Năm 2024, mục tiêu đặt ra cho GDP là 6-6,5% và lạm phát 4-4,5%. Chính sách tiền tệ vẫn duy trì theo hướng hỗ trợ cho nền kinh tế, mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15% - cao hơn đáng kể so vói con số thực hiện 9 tháng năm 2023.
Ngoài ra, trong phiên họp này cũng chờ đợi các giải pháp được đưa ra để thúc đẩy kinh tế trong những tháng cuối năm 2023. Chẳng hạn gia hạn các gói kích thích ban hành năm 2022-2023 sang năm 2024; các biện pháp mới hỗ trợ tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chờ đợi 3 luật liên quan đến ngành bất động sản đề kì vọng được thông qua trong kỳ họp này. Những thay đổi của Luật Đất đai chủ yếu xoay quanh phương pháp định giá đất và thu hồi đất. Còn tâm điểm của Luật Nhà ở với các điều khoản có lợi hơn cho các nhà phát triển nhà ở xã hội. Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có điểm nổi bật là liệu giao dịch tài sản có bắt buộc thông qua sàn giao dịch hay không.
Bộ Xây dựng công bố báo cáo tổng quan về lĩnh vực bất động sản trong quý III vừa qua, với nguồn cung dồi dào hơn và lượng giao dịch có xu hướng tăng. Về phía cầu, người mua nhà cũng đang quan tâm hơn tới các sản phẩm có giá từ 2-4 tỷ đồng/căn, đặc biệt là dự án của các chủ đầu tư uy tín và thời gian thanh toán linh hoạt. Về phía cung, các chủ đầu tư cũng đang nỗ lực mở bán nhiều hơn, có thể đến từ tín hiệu chi phí vốn giảm (nhờ điều kiện tín dụng có sự nới lỏng nhất định).
Bộ Xây dựng tiết lộ dòng tín dụng vào bất động sản tính đến tháng 8 đã tăng 23% so với đầu năm, trong đó, tín dụng cho các dự án nhà ở thương mại năm trong top dẫn đầu - chiếm 27% tổng dư nợ vào bất động sản.
Thông tin liên tiếp về kết quả kinh doanh quý III cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Nếu như con số từ BSR, SZC ở gam màu sáng với số liệu tăng trưởng lợi nhuận cao so với cùng kỳ - cũng là nhóm ngành dự báo còn triển vọng sắp tới. Trong khi đó, nhóm ngân hàng ghi nhận lợi nhuận suy giảm ở hầu hết các ngân hàng thương mại đồng thời chất lượng tài sản vẫn đang là những rủi ro cần theo dõi.
Ước tính, trong 14 ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh, chỉ có 4 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dương trong 9 tháng đầu năm ACB, MSB, LPB và SaigonBank. Hầu hết các ngân hàng thương mại có tỷ lệ nợ xấu gia tăng so với thời điểm đầu năm, qua đó những ngân hàng có tỷ lệ xấu thấp nhất, thì nay cũng đã có tỷ lệ nợ xấu vượt 1% như ACB, TCB.
Theo SSI Research, tính trên 699 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh tước 27/10, chiếm hơn 30% vốn hóa thị trường, thì doanh thu 3 quý đầu năm ghi nhận tăng 7%, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 15% so với cùng kỳ năm trước.
Quay lại với diễn biến thị trường chứng khoán, sự cân bằng trở lại trong phiên cuối tuần là chưa đủ để xóa bỏ kịch bản thị trường điều chỉnh mạnh tuần qua. Khi tâm lý thị trường chưa vững vàng trở lại sau giai đoạn giảm cả về thanh khoản lẫn chỉ số, thì phiên giao dich bất ngờ như thứ 5 tuần trước - với tâm điểm là nhóm cổ phiếu họ Vingroup (VHM và VIC) - càng khiến sự e ngại trên thị trường gia tăng.
Được biết, diễn biến liên quan đến VHM mang tính kỹ thuật và là một phần trong giao dịch của nhà đầu tư quốc tế khi tham gia mua trái phiếu chuyển đổi mà VIC phát hành vào ngày 25/10. Nhà đầu tư trái phiếu chuyển đổi cũng đã tìm được đối ứng đa số khối lượng của cổ phiếu cần bán, do vậy ảnh hưởng lên thị trường được đánh giá ngắn hạn.
Sự cân bằng trở lại của VHM kỳ vọng là chất xúc tác cho sự hồi phục ổn định trở lại của thị trường chung.
Theo thống kê của SSI research, hai lần tạo đáy trung hạn gần nhất của thị trường đều đi cùng với biến động tương đồng của VHM, VIC.
Dù xu hướng liên tục điều chỉnh trong những tuần qua, nhưng nhiều cổ phiếu đã tăng trở lại khá mạnh mẽ trong phiên cuối tuần - có thể kỳ vọng cho sự hồi phục tuần này.
Điển hình là nhóm cổ phiếu bất động sản (thể hiện tâm lý chính của nhà đầu tư giai đoạn này).
Những, dĩ nhiên sẽ không thể khẳng định về một xu hướng tăng cho chỉ số hay cho thị trường chung, và cần theo dõi thêm về thanh khoản cũng như các nhóm dẫn dắt mới củng cố thêm cho nhận định này.
Giới đầu tư đang quan tâm tới một số biến số quan trọng như tiến độ giải ngân đầu tư công, tín hiệu hồi phục xuất khẩu trong tuần này - tuần công bố thông các con số theo tháng. Trong đó, số liệu FDI 10 tháng đang cho thấy sự tích cực. Song song đó, lạm phát tiếp tục được quan tâm hàng đầu.
Thông tin kỳ họp 11 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng hết sức được chú ý, kỳ vọng của thị trường về việc giữ nguyên lãi suất gần như tuyệt đối, nhưng những phát biểu gần đây của Fed về chính sách tiền tệ tương lai vẫn đang là ẩn số.
Nói chung, sự quay đầu tích cực của thị trường trong phiên cuối tuần có thể là dấu hiệu hồi phục cho những phiên đầu tuần này. Dù vậy, bối cảnh chung vẫn đang trong giai đoạn rủi ro về xu hướng và ảm đạm về thanh khoản.
Gia tăng các vị thế ngắn hạn ở thời điểm này là còn nhiều rủi ro, vẫn nên chờ đợi giai đoạn thích hợp để giải ngân các cổ phiếu có triển vọng trung và dài hạn sáng sủa, khi vùng giá nhiều cổ phiếu đã hấp dẫn hơn.
Nhà đầu tư cần tiếp tục ưu tiên quản trị rủi ro với tỷ trọng vừa phải.