Tài chính - Chứng khoán
Góc nhìn TTCK tuần 4 - 8/3: Thị trường có xu hướng điều chỉnh, cần kiểm soát rủi ro
Nhã An - 03/03/2024 17:41
Với tuần tăng điểm mạnh, VN-Index vượt qua mốc 1.250 điểm, nhưng đà tăng có nhiều hưng phấn. Vùng điểm hiện nay cũng tiệm cận đỉnh tháng 8 - 9/2022 nên nhiều khả năng thị trường sẽ trở lại xu hướng điều chỉnh, cần ưu tiên kiểm soát rủi ro.

Chỉ số VN-Index kết thúc tháng 2/2024 ở mức 1.252,73 điểm, tăng 7,59% so với tháng 1/2024  (và tăng điểm mạnh nhất trong 4 tháng qua), thanh khoản thị trường tốt tăng mạnh 124,2%, với giá trị giao dịch trung bình hơn 23.282 tỷ đồng. Thanh khoản tốt thể hiện dòng tiền giao dịch sôi động, luân chuyển và gia tăng tốt qua các nhóm cổ phiếu. Theo thời gian, tính đầu cơ cũng gia tăng.

Lưu ý, mức thanh khoản trung bình quanh 1 tỷ USD/phiên, chỉ thua kém các thời điểm tháng 8, 9/2023 và thời điểm đầu năm 2022 đều là những thời điểm đã có áp lực điều chỉnh mạnh trong quá khứ.

Điểm cần lưu ý khác, theo dữ liệu tổng hợp của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS), cũng trong tháng 2, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua ròng mạnh với giá trị 6.495 tỷ đồng, rất lớn trong 2 năm qua (chỉ kém các tháng 9/2023, 10/2022 và 3/2022). Nếu xét giá trị mua ròng trung bình/ngày, đây là tháng mua ròng mạnh nhất khi chỉ có 16 phiên giao dịch trong tháng 2/2024. Tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân duy trì ở mức cao với tỷ lệ 84,24%, trên mức trung bình.

Trng khi đó, tổ chức trong nước mua ròng mạnh 9.500 tỷ đồng từ tháng 10/2023 đến 1/2024, đã bán ròng mạnh trong tháng 2 với giá trị 3.726,43 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng giao dịch 6,79%, dưới mức trung bình 7% trong 3 năm qua.

Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài bán ròng khá mạnh trong tháng 2 với giá trị bán ròng 2.328,23 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng giao dịch ở mức 8,64%, trên mức trung bình và nâng lũy kế bán ròng từ tháng 1/2023 đến nay lên mức 27.212,01 tỷ đồng. Trong khi đó, cá nhân nước ngoài cũng bán ròng khá đột biến với giá trị lên đến 440,71 tỷ đồng.

Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm tư vấn đầu tư CTCK SHS chi nhánh Hồ Chí Minh cho rằng, trong ngắn hạn, VN-Index đang vượt lên vùng đỉnh năm 2023, tương ứng 1.245-1.255 điểm và sẽ tiếp tục gặp các vùng kháng cự mạnh liên tiếp tương ứng 1.280 - 1.295 điểm - là đỉnh giá tháng 8-9/2022, vùng 1.300 - 1.320 đỉnh giá tháng 6/2022. Cần lưu ý ở các thời điểm trong lịch sử VN-Index tháng 6/2022 có nhịp điều chỉnh 100 điểm, thời điểm tháng 8-9/2022 điều chỉnh 300 điểm, tháng 8-9/2023 VN-Index điều chỉnh 200 điểm.

Theo đó, ngắn hạn VN-Index vẫn tiếp tục tăng điểm gặp vùng kháng cự rất mạnh quanh 1.275 điểm, tương ứng giá trung bình của vùng đỉnh tháng 8, 9/2022 và đỉnh tháng 8, 9/2023. Với các kháng cự rất mạnh, kháng cự năm và ở vùng vốn hóa hiện tại không còn là vùng giá rẽ.  Vì vậy, mặc dù thị trường đang xoay vòng rất tốt với khá nhiều cơ hội xoay vòng trên nền thanh khoản duy trì ở mức rất cao, trên 1 tỷ USD. Nhưng khi VN-Index đang đi vào các vùng kháng cự mạnh trên, vẫn sẽ có rủi ro sẽ có nhịp điều chỉnh ít nhất từ 50-100 điểm.

Theo ông Nhật, cần lưu ý VN-Index có thể sẽ có phiên giao dịch phân phối ngắn mạnh với khối lượng giao dịch khoảng 1,5 tỷ cổ phiếu, thanh khoản trên 30.000 tỷ đồng, với tín hiệu cảnh báo phiên sáng giao dịch đột biến có thể hơn 800 triệu cổ phiếu. Do vậy các vị thế hiện tại được xem là đầu cơ, xoay vòng và cần phải kiểm soát rủi ro, nâng mức dừng lỗ ngắn hạn tương ứng. Ưu tiên tập trung vào nhóm mã cơ bản tốt, đầu ngành, tăng trưởng so với thị trường chung

Nhìn chung, hoạt động tiếp tục kiểm định lại vùng cản mới vượt tại 1.250-1.255 điểm vẫn có khả năng còn tái diễn. Do đó, các vị thế đang nắm giữ có thể tiếp tục duy trì. Còn đối với các vị thế mua mới chỉ nên tham gia tại những nhịp chỉnh tại nhóm cổ phiếu đảm bảo được các yếu tố quan trọng về xu hướng, dư địa tăng còn hấp dẫn, nhận được sự chú ý của dòng tiền, có cơ bản tốt và còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Tin liên quan
Tin khác