Diễn biến đáng chú ý trong phiên cuối tuần là chỉ số VN-index điều chỉnh phần lớn trong phiên, có lúc lùi về mốc tâm lý 1.170 điểm trước khi hồi phục vào cuối phiên. Ở mốc điểm số này, xuất hiện lực cầu vào đẩy chỉ số đi lên, tạo thành cây nến cảnh báo đảo chiều hammer. Chỉ số quay lại với sắc xanh và đóng cửa dưới vùng kháng cự 1.200, đạt 1.198,9 điểm (+0,11%).
Trong phiên thứ Hai tuần tới (4/7) sẽ là phiên xác nhận cây nến cảnh báo đảo chiều, khả năng tiếp tục kiểm tra lại khu vực 1.200 điểm. Nếu đóng cửa trong sắc xanh và chinh phục thành công mốc này thì cây nến đảo chiều có độ tin cậy cao. Dự báo chỉ số sẽ duy trì đà hồi phục với vùng mục tiêu gần là 1.211 - 1.223 điểm.
Ngược lại, đóng cửa chỉ số trong sắc đỏ thì đảo chiều bị thất bại, chỉ số VN-Index khả năng sẽ quay lại điều chỉnh với mục tiêu 1.160 điểm, là vùng đáy ngắn hạn tháng 5. Lưu ý VN-Index đã 3 lần về gần mốc 1160 điểm rồi bật tăng trở lại, đây sẽ là mốc tâm lý quan trọng trong thời gian tới.
Nhìn lại kết quả giao dịch trong quý II, VN-Index đã kết thúc kỳ giao dịch quý II/2022 ở mức 1.197,60 điểm, giảm mạnh -19,74% so với quý I/2022, gần tương đương mức giảm -18,2% trong quý II/2018.
Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán SHS cho biết, trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam ngoài quý I/2020 giảm mạnh 31,05% do dịch bệnh thế kỷ thì mức giảm giá này chỉ thua kém các thời điểm khủng hoảng kinh tế quý I/2008 với mức giảm -44,2% và quý III/2001 khi thị trường chứng khoán ở giai đoạn đầu mới thành lập.
Điểm khác biệt là VN-Index vẫn giảm mạnh trong khi quý II/2022 duy trì tăng trưởng GDP khá tốt. Kết thúc quý II/2022, VN-Index không giữ được vùng hỗ trợ 1.200-1.211 điểm - đỉnh giá năm 2018 và hiện đang kiểm tra lại vùng 1.175-1.187 điểm, tương ứng giá đóng cửa quý I/2018.
Theo ông Nhật, hiện tại, nếu xét theo trend_line tăng trưởng dài hạn nối các vùng đáy năm 2020, quý IV/2003, quý I/2009, quý I/2012, quý I/2016 và quý I/2020 - là trend_line nối dài các vùng đáy từ khi VN-Index thành lập cho đến nay tương ứng 1.155-1.170 điểm. Đây là vùng hỗ trợ quan trọng.
Dự báo trong quý III/2022, nếu VN-index tiếp tục giữ vững được vùng hỗ trợ 1.174-1.187 và phục hồi vượt lên lại vùng kháng cự 1.200-1.211, 1230+- thì vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp phục hồi kiểm tra lại vùng giá 1.300-1.320.
Còn trường hợp không giữ được vùng giá và trend_line nối dài các vùng đáy từ năm 2020 cho đến này thì rủi ro trend_line tăng trưởng dài hạn kết thúc. Tuy nhiên, ông Nhật vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ có nhịp phục hồi kiểm tra lại vùng giá 1.300-1.320 điểm trong quý III/2022.
Còn trong ngắn hạn, ông Nhật cho rằng, áp lực bán gia tăng mạnh đối với nhiều mã nhóm suy yếu, lý do có thể do mức hỗ trợ định giá của thị trường, của nhiều mã suy giảm sẽ giảm xuống sau khi chốt NAV quý II/2022, cũng như không kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III sẽ cải thiện mạnh.
Xu hướng ngắn hạn VN-Index, VN30 đang tích lũy sau nhịp phục hồi với rủi ro VN-Index sẽ tiếp tục chịu áp lực điểu chỉnh kiểm tra lại vùng 1.156-1.170 điểm - đáy tháng 05 và 06/2022. Chỉ có thể kỳ vọng tích cực trở lại khi vượt lên lại vùng kháng cự 1.200-1.211 điểm và vượt được trend_line giảm giá ngắn trung hạn kéo dài từ tháng 3-4/2022 khi có thể vượt kháng cự 1.230+- và kiểm tra thành công.
Bởi vậy, trong ngắn hạn, nhà đầu tư cần xem xét cơ cấu, hạ tỷ trọng các nhóm cổ phiếu đã gia tăng bắt đáy phục hồi khi hồi phục. Các vị thế gia tăng tỷ trọng mới chỉ xem xét khi dòng tiền ngắn hạn và trung hạn xác nhận cải thiện trở lại.