Dòng tiền tích cực trở lại thị trường ngay trước kỳ nghỉ lễ mang lại tâm lý lạc quan về xu hướng hướng tăng trở lại. Đặc biệt ngay phiên cuối tuần trước, dòng tiền lan toả đều và lan toả mạnh, nhất là ở nhóm chứng khoán và bất động sản - hai nhóm đại diện cho dòng tiền năng động và “đặt cược” vào đà tăng của thị trường.
Trong ngắn hạn, thị trường đang trong nhịp hồi phục sau điều chỉnh, tuy nhiên, thị trường sẽ phải có giai đoạn tích lũy mới, cơ hội giải ngân ngắn hạn đã xuất hiện khi thị trường bước vào giai đoạn hồi phục.
Với tâm lý lạc quan, dự báo giao dịch tuần này, VN-Index vẫn cố gắng chinh phục lại mốc 1.240 điểm.
Trong tuần trước, thị trường đón nhận thông tin mới về tiến trình nâng hạng thị trường từ Hội nghị gặp gỡ các nhà đầu tư tổ chức và các đối tác với chủ đề “Khai mở tiềm năng thị trường chứng khoán Việt Nam - hướng tới vị thế thị trường mới nổi”.
Hiện có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung cải thiện và có những biện pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới, đó là: Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding); và giới hạn sở hữu nước ngoài. Cả hai vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các cơ quan, bộ ngành có liên quan để tháo gỡ, như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại Hội nghị lần này, đây tiếp tục là 2 vấn đề đặc biệt được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Theo các nhà đầu tư, để có thể được nâng hạng, Việt Nam cần triển khai mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) đã được quy định trong Nghị định 155/2020/NĐ-CP, trong đó ngân hàng lưu ký phải được là thành viên thanh toán bù trừ; và công bố đầy đủ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận và chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành thực sự cần thiết.
Riêng đối vấn đề prefunding, khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép, thì giải pháp triển khai hệ thống CCP trong đó ngân hàng lưu ký phải là thành viên bù trừ (bên cạnh các thành viên bù trừ là các công ty chứng khoán) là phương án tối ưu để xử lý vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Nếu không khắc phục được vấn đề prefunding thì câu chuyện nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu.
Thông tin tại Hội nghị, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thêm, trong khi chờ CCP, hiện cơ quan quản lý đang nghiên cứu các giải pháp trước mắt mang tính kỹ thuật để giảm thiểu các lo ngại của nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề ký quỹ trước giao dịch. Còn về lâu dài, CCP phải được triển khai, trong đó các ngân hàng lưu ký cũng là thành viên bù trừ bên cạnh các công ty chứng khoán, tuy nhiên điều này cần sự cho phép từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Nhiều dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thể ngay lập tức nâng hạng, nhưng các động thái tích cực từ cơ qua chức năng cho thấy quyết tâm cao trong việc này. Đây cũng là thông tin “tiếp sức” cho nhóm cổ phiếu chứng khoán tuần qua.
“Theo dõi và lên kế hoạch đầu tư để đón đầu cơ hội từ con sóng nâng hạng - cơ hội có một không hai - là điều nên tính tới từ bây giờ”, nhóm các nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chia sẻ.
Quay lại với thị trường tuần tới, các nhóm ngành được chuyên gia Phòng môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap yêu thích vẫn là chứng khoán, bán lẻ và lương thực.
Trong đó, cổ phiếu MWG gặp cản ở đỉnh cũ, nên đối diện áp lực chốt lời tuần trước, nếu tuần này duy trì quán tính tăng điểm với tâm lý tích cực vượt được đỉnh cũ, nhà đầu tư có thể xem xét “vào hàng”. Nhóm lương thực có LTG hồi phục tốt, với hàng tồn kho gạo lớn, dự báo kết quả kinh doanh quý III của LTG sẽ tích cực khi giá gạo thế giới đang xu hướng tăng liên tục.
Với nhóm cổ phiếu chứng khoán, mặt bằng lãi suất hạ thấp dần và có niềm tin vẫn còn dư địa giảm, thì nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn được dòng tiền quan tâm.
Nhìn về triển vọng hồi phục của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm, chuyên gia Công ty chứng khoán SSI cho rằng, kể từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực để đưa ra các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế, trong đó nổi bật là việc giảm lãi suất, và hướng tới giảm lãi suất đầu ra cho doanh nghiệp và cá nhân. Ngoài ra, Thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ tháng 9 cũng sẽ có thể hỗ trợ cho việc giảm được lãi suất cho vay mua nhà, hiện tại vẫn đang duy trì ở mức cao.
Đối với nền kinh tế, do yếu tố khách quan từ kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng trong nước đang còn yếu do vậy khả năng hấp thụ vốn chưa tốt. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một vài điểm sáng về nhu cầu xuất khẩu vào cuối năm, lương khách du lịch tới Việt Nam cũng dần dần quay trở lại, điều này cũng tạo kỳ vọng là sẽ có sự phục hồi từng bước của hoạt động sản xuất và tiêu dùng và khả năng đón nhận vốn của doanh nghiệp cũng sẽ cải thiện hơn. Tuy vậy, các hoạt động cho vay của ngân hàng vẫn phải đảm bảo trên nguyên tắc cẩn trọng để tránh được rủi ro nợ xấu về lâu dài. Sự phục hồi chậm và chắc sẽ quan trọng hơn trong thời điểm này.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, nhu cầu vốn trong nền kinh tế hiện nay nhận thấy hiện tượng “khát vốn” chủ yếu phổ biến ở nhóm bất động sản. Trong khi đó, do triển vọng kinh tế thế giới và trong nước đều không thuận lợi đã ảnh hưởng đến nhu cầu vốn, cả để đầu tư mở rộng sản xuất hay để tài trợ vốn lưu động. Điều này cho thấy trạng thái thận trọng của doanh nghiệp, vẫn chờ thị trường khởi sắc hơn mới mở rộng thì lúc đó nhu cầu tín dụng thực mới cải thiện.
Về thị trường chứng khoán, chính sách tiền tệ mở rộng thì chứng khoán vẫn là kênh hưởng lợi đầu tiên. Kết hợp với một số rủi ro (áp lực thanh khoản do trái phiếu đến hạn, biến động tỷ giá, lãi suất) đều không lớn như cùng kỳ năm 2022. Do vậy, Rồng Việt cho rằng, những tháng cuối năm vẫn khá thuận lợi cho nhà đầu tư giao dịch. Mặc dù vậy, một thực tế cần lưu tâm là sức khỏe nền kinh tế và doanh nghiệp đều còn khá yếu, do đó, nhà đầu tư cần có sự thận trọng nhất định, tránh tâm lý “FOMO” để bảo toàn tài khoản.