Trong tuần giao dịch đầu năm, thông tin tích cực nhất có tác động đến nhóm vốn hoá lớn nhất trên sàn là ngân hàng giúp thị trường tích cực, liên quan đến room tín dụng năm 2024.
Cụ thể, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tăng tốc trong tháng 12, ghi nhận tăng 13,5% so với đầu năm, nhảy vọt đáng kể so với 9,2% hồi cuối tháng 11, tương đương đã có khoảng 519.000 tỷ đồng (21 tỷ USD) tăng thêm trong tháng 12. Tuy nhiên, đây có thể là các động thái kỹ thuật mang tính mùa vụ cuối năm.
Tăng trưởng tín dụng sẽ không có nhiều ý nghĩa với nền kinh tế nếu không đi kèm với mức tăng trưởng GDP tương đồng. Ghi nhận tăng trưởng tín dụng 13,5% trong năm 2023, nhưng tăng trưởng GDP danh nghĩa 7,45%, tỷ lệ tín dụng/GDP đang cao hơn ở mức 30% - cho thấy rủi ro cao hơn về ổn định tài chính, dù vẫn nằm trong kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.
Trong những ngày năm mới, Ngân hàng Nhà nước công bố hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khá hào phóng ngay từ đầu năm là 15%, đây có thể xem là bước đầu tiên hướng tới áp dụng các khung chính sách tiền tệ dựa trên các mục tiêu lạm phát và nghiệp vụ thị trường mở, cũng hàm ý kế hoạch về room tăng trưởng tín dụng được đặt ra theo cách truyền thống trước đây có thể loại bỏ dần trong tương lai, hướng tới tăng trưởng tín dụng nói chung sẽ được xác định theo nguyên tắc thị trường.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng ra tín hiệu gia hạn Thông tư 02/2023 thêm 3 tháng nếu cần thiết, giúp quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng có thêm thời gian và thông suốt hơn.
Thông tin sát sao hơn với thị trường chứng khoán, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1726/QD-TT phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến 2030. Trong đó, mục tiêu năm 2025 nâng hạng thị trường lên mớ nổi, hoàn tất quá trình sáp nhập HoSE và HNX. Đặt ra mục tiêu cán mốc có 9 triệu tài hoản chứng khoán cá nhân vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Có một số mục tiêu khá thách thức, bao gồm mục tiêu vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030. Với thị trường nợ, khối lượng lưu hành trái phiếu tối thiểu đạt 47% GDP, trong đó trái phiếu doanh nghiệp chiếm 20%.
Hiện nay, vốn hoá thị trường cổ phiếu khoảng 60% GDP, thị trường trái phiếu thì còn cách rất xa mục tiêu trên.
Thông tin đáng chú ý khác trong tuần là sửa đổi Nghị định 155 thi hành Luật Chứng khoán, trước đây có quy định, cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) đưa vào vận hành ngày 1/1/2024, nhưng do hết thời hạn so với mục tiêu trước đó, Nghị định 155 lần này đề xuất gia hạn thời gian vận hành cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP thêm 2 năm, tức ngày 1/1/2026.
Cùng với vận hành KRX, việc vận hành CCP là cột mốc quan trọng phát triển thị trường và nâng hạng.
Quay lại với thị trường chứng khoán, VN-Index đã kết thúc tuần giao dịch đầu tiên rất tích cực khi lần lượt vượt lên các đường giá trung bình MA200 phiên trên đồ thị ngày và tuần tương ứng các vùng kháng cự quanh 1.130 điểm và 1.150 điểm. Kết thúc tuần VN-Index tăng 2,19% so với tuần cuối năm 2023 lên mức 1.154,68 điểm với điểm nhấn là phiên giao dịch có thanh khoản đột biến trên 1 tỷ USD. HNX-Index cũng tăng 0,74% với thanh khoản cải thiện lên mức 232,76 điểm.
Điểm sáng đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, là tâm điểm của dòng tiền sau các thông tin được công bố từ Ngân hàng Nhà nước. Điểm trừ là sự lan toả của nhóm ngân hàng chưa rộng rãi đến các nhóm ngành khác. Theo đó, sự lan toả này có được thực hiện trong tuần này hay không đang là điều được mong chờ nhất.
Trong tuần giao dịch thanh khoản trên HoSE đạt 89.027,88 tỷ đồng, tăng 15,8% so với tuần trước trong khi có 4 phiên giao dịch với thanh khoản trung bình 22.256 tỷ đồng/phiên (phiên giao dịch ngày 4/1/2024 có khối lượng giao dịch đột biến, khối lượng VN30 tăng 135,22% so với phiên trước đó). Thể hiện tâm lý thị trường cải thiện, dòng tiền ngắn hạn gia tăng tốt và tích cực trở lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Nhà đầu tư nước ngoài sau 2 phiên mua ròng cuối năm 2023 tiếp tục bán ròng với giá trị 654,08 tỷ đồng trong tuần đầu năm 2024, bán ròng trở lại nhóm thép, ngân hàng, dịch vụ tài chính; mua ròng trên HNX với giá trị 5,88 tỷ đồng.
Đà tăng tích cực của VN-Index tiếp tục được duy trì, tuy nhiên, động lực tăng không mạnh mẽ khi VN-Index gặp ngưỡng cản ngắn hạn 1.150 điểm và các phiên tới có thể có rung lắc, nhưng với động lực vận động trên nền tảng tích lũy ngắn hạn tốt kỳ vọng VN-Index sẽ sớm vượt qua ngưỡng cản này để tiến vào khu vực kỳ vọng tích lũy trung hạn.
Diễn biến tốt dần lên của thị trường giúp nhà đầu tư có chiến lược tích cực hơn cho giai đoạn tới. Gia tăng giải ngân trong các nhịp điều chỉnh lành mạnh của thị trường và duy trì nắm giữ các cổ phiếu đang có xu hướng khả quan.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cân nhắc với sự lan toả kém trong tuần qua, nếu dòng tiền vẫn tiếp tục tập trung nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng không có dấu hiệu đảo sang các nhóm khác, thì thông thường rủi ro cho phần còn lại của thị trường cũng có thể lớn dần, nên cần theo dõi sát sao.