Thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index (+1,4%) tăng điểm khá tốt trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 nhờ sự tích cực của cổ phiếu ngân hàng (+4,1%) trong tuần qua. Nhóm VN30 tiếp tục nới rộng nhịp tăng và có mức tăng 1,06% khi kết phiên. Trong nhóm, có đến 22 mã tăng giá, nổi bật là NVL với mức tăng 5,4% vào phút chót, tiếp đến là BID (+4,8%), PNJ (+4%), STB (+3,3%), ACB (+1,8%) ... Ở chiều ngược lại, có đến 8 mã trong sắc đỏ, giảm mạnh nhất là KDH (-2,1%), tiếp theo là SSI (-1,5%), VRE (-1,3%), GAS (-0,8%), FPT (-0,6%) ...
Điểm tích cực là khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn HOSE, với giá trị 117,4 tỷ đồng. Nổi bật là KBC (+60,2 tỷ), tiếp đến là DXG (+52,3 tỷ), STB (+27,8 tỷ), PNJ (+19,7 tỷ), DGC (+15,8 tỷ) ... Phía bán ròng, nhiều nhất là MSN (-53,8 tỷ), tiếp theo là FUEVFVND (-39,2 tỷ), CTG (-28,2 tỷ), SCR (-10,4 tỷ), SSI (-9,9 tỷ) ...
Kết thúc năm 2021, VN-Index chưa thể lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và vẫn còn động thái thận trọng trước ngưỡng này mặc dù có diễn biến khá tốt trong phiên cuối năm. Nhịp tăng của VN-Index vẫn được duy trì với mức đóng cửa sát mức cao nhất trong phiên. Tuy nhiên, có biến động bất thường tại một số cổ phiếu trong phiên ATC, có thể đây là hoạt động chốt giá cuối năm của một số tổ chức và quỹ. Kết phiên, VN-Index tăng 12,31 điểm (+0,83%) và chốt tại 1.498,28 điểm. Thanh khoản khớp lệnh tăng so với phiên trước, với 846,5 triệu cổ phiếu khớp lệnh trên HOSE.
Tính chung cả tuần cuối năm 2021 là tăng điểm nhưng thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 tuần với trung bình khoảng 28.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch tuần trên HOSE giảm 21,9% xuống 124.742 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 17,3% xuống 4.222 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 17% xuống 16.504 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 14,3% xuống 591 triệu cổ phiếu.
Chuyên gia CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, thanh khoản trong tuần cuối năm 2021 tuy có suy giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn xấp xỉ mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu mua lên là chưa thực sự mạnh và một bộ phận nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài quan sát. Chỉ số VN-Index đã kết thúc một năm giao dịch thành công với mức tăng 35,7%, đây là mức tăng cao thứ 2 trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, chỉ đứng sau mức tăng 48% của năm 2017. Trên góc nhìn kỹ thuật, xu hướng tăng của thị trường tiếp tục được củng cố và khả năng để VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022 là có thể diễn ra.
Theo đó, nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải đã nâng tỷ trọng lên mức cao khi tham gia bắt đáy trong phiên 6/12 có thể canh những nhịp tăng điểm trong tuần tiếp lên quanh ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm để chốt lời một phần danh mục, đưa tỷ trọng về mức cân bằng
Ông Trần Hoàng Thế Kiệt, Chuyên viên phân tích CTCK Rồng Việt cho rằng, với tình trạng ngưỡng tâm lý 1.500 điểm vẫn còn gây e dè cho thị trường, có khả năng VN-Index sẽ tạm thời có diễn biến giằng co mạnh quanh ngưỡng này trong thời gian gần tới trước khi có tín hiệu cụ thể hơn. Mặc dù nhìn chung thị trường vẫn đang trong hướng dần tăng ngắn hạn nhưng nhà đầu tư vẫn nên quan sát động thái giao dịch tại vùng cản tâm lý 1.500 điểm và đánh giá lại trạng thái thị trường.
Ghi nhận của người viết, tâm lý của nhiều nhà đầu tư cá nhân khá lạc quan, với tâm lí dòng tiền margin (cho vay ký quỹ) của các CTCK, các kho sẽ được cởi trói, sau khi tạm “thu gọn” nhằm phục vụ việc làm báo cáo tài chính cuối năm. Các dòng cổ phiếu đều tăng tốt và chưa có thông tin đáng lo ngại nào. Ngược lại, cũng có nhiều quan điểm mặt bằng giá cổ phiếu đang cao, để có thể break ngưỡng tâm lý 1.500 một cách thuyết phục và bền vững (không chỉ là về điểm số) thì cần có thêm các phiên điều chỉnh sâu hơn mới hấp dẫn mạnh dòng tiền. Ngoài ra, vẫn còn nhiều nghi ngờ về sự đi lên của cổ phiếu ngân hàng – vốn bị dòng tiền lãng quên từ tháng 7 tới nay, hiện cũng chưa có thông tin tác động nào đáng kể để dòng này có thể bứt phá.
Theo quan điểm của ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam, thị trường thường có vài nhịp chỉnh để có đà bật lên, bước vào sóng tăng mới. Nhưng trên thị trường chứng khoán, điểm hấp dẫn, thú vị, là không có gì là tuyệt đối, bỏi thị trường bị chi phối bởi kì vọng, bởi tâm lý nên không ai có thể đoán định chắc chắn về diễn biến thị trường trong từng thời điểm.
Góc nhìn ngắn hạn trong 1 tháng tới, ông Phương tin tưởng chỉ số sẽ đi vào vùng 1.500-1.600 điểm, chưa có tín hiệu điều chỉnh sâu, trong khi giới đầu tư lại đang chờ đợi báo cáo kinh doanh quý 4 – dự tốt hơn hẳn so với quý 3 vì đây là quý gần như doanh nghiệp không thể hoạt động. Điều này sẽ tạo tâm lý tốt cho các nhà đầu tư. Khi mà thị trường không còn thông tin tích cực, vùng trũng thông tin thì có thể điều chỉnh, lúc đó, nhà đầu tư mạnh dạn chốt lời, điều này cũng giúp giá cổ phiếu vào vùng hợp lý hơn, từ đó kích thích dòng tiền mạnh dạn giải ngân hơn.
Nhưng về cơ bản năm 2022 là năm có nhiều thông tin tích cực hơn, đặc biệt chờ đợi thông tin “chốt” về giá trị gói kích thích kinh tế. Theo đó, ông Phương khẳng định, nếu thị trường có điều chỉnh, thì là để lấy đà bứt lên vùng cao mới.
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, ông Phương cho rằng đang tăng chưa thực sự thuyết phục, bởi thông tin cấp room tín dụng không mới, hay việc chốt mở room cho nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa có cập nhật mới để cho một vài cổ phiếu nhóm này tăng trần. Dĩ nhiên, ngành ngân hàng đang tốt dần lên. Tính chất dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua là tốc độ luân chuyển khá nhanh qua các nhóm ngành, trong khi đó cổ phiếu ngân hàng đang bị lãng quên khá lâu nên thu hút dòng tiền đoạn này không quá khó hiểu.
Trong khi đó, với nhóm cổ phiếu bất động sản, ông Phương có lời tư vấn tới nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu thuộc DN có nền tảng, có quỹ đất sạch, có khả năng thực hiện dự án và bán hàng tốt. Nhiều cổ phiếu tăng thiếu logic khi mà doanh nghiệp đó chưa có năng lực tài chính và kinh nghiệm để triển khai dự án, nhiều DN chưa có dự án sẵn sàng để bán….và việc tăng giá đất cũng là diễn ra cục bộ…nhà đầu tư cần tỉnh táo để chọn lọc đúng đẵn cổ phiếu, giảm thiểu rủi ro cho chính mình.
Lưu ý, không ngoại trừ khả năng, việc “siết chặt” các tiêu chuẩn, quy định về phát hành trái phiếu khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành này không thể huy động được nguồn vốn, nên sẽ có các động cơ để kéo giá cổ phiếu, sau đó thực hiện repo (là nghiệp vụ mua bán cổ phiếu có kỳ hạn trong đó, khách hàng bán cổ phiếu cho công ty chứng khoán và cam kết mua lại với mức giá và vào thời điểm nhất định trong tương lai theo thỏa thuận với công ty chứng khoán-PV); hoặc thậm chí là ý đồ của “tay to”, của lãnh đạo DN kiếm lợi từ việc tăng giá.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng nhiều cổ phiếu bất động sản đang tăng nóng quá. Khi tiền đổ vào cổ phiếu vốn hoá lớn thì khả năng sẽ giảm ở nhóm bất động sản – theo đó nhóm này có thể sẽ đi ngang, hoặc xuống (với cổ đã tăng quá nhiều) trong thời gian tới.
Về thị trường chung,ông Minh khả năng cao sẽ break 1.500 điểm và có tín hiệu dòng tiền đã vào nhóm vốn hoá lớn
Vậy có phải là cú bứt lên rồi vụt tắt không? Theo ông Minh là không, vì các đợt trước hồi lên nhưng chưa xác lập xu hướng rõ ràng, còn hiện nay có nhiều yếu tố để xác lập, như dòng tiền vào nhóm vốn hoá lớn, nhóm cổ phiếu ngân hàng với động lực tăng giá ngắn hạn là có. Theo đó, dự báo thị trường tuần sau sẽ tích cực. Nếu có điều chỉnh, nhà đầu tư có thể chú ý quan sát ở giai đoạn gần trước tết Nguyên đán, sau điều chỉnh thì dòng cổ phiếu bất động sản sẽ hồi lại và đón sóng “thực chất” hơn giai đoạn qua.
Năm 2022 thị trường vẫn đi lên, 1.700-1800, và nửa đầu năm, dòng cố phiếu có thể chú ý vẫn là ngân hàng và bất động sản.