Kết thúc kỳ nghỉ lễ dài ngày, thị trường giao dịch trong không khí sôi động ngay từ đầu phiên, và đóng cửa tại 1.117 điểm, tăng 0,81% so với phiên trước đó.
Đà tăng được sự đồng thuận của hầu hết các nhóm ngành trong đó đáng chú ý là nhóm điện nước, xây dựng và vật liệu khi nhiều mã cổ phiếu tăng với biên độ lớn. Chiều ngược lại nhóm viễn thông là nhóm giảm mạnh nhất với mức giảm 8,7%.
Khối ngoại tiếp tục duy trì đà mua ròng với giá trị gần 550 tỷ đồng trong phiên 27/1. Xét trong 5 phiên gần nhất khối ngoại đã vào ròng mạnh các mã HPG; SSI; VIC. Chiều ngược lại KDC; DGC; PNJ là 3 mã khối này bán ròng mạnh nhất.
Khối tự doanh vào ròng khoảng 450 tỷ đồng. Các mã khối này mua ròng chủ yếu trong 5 phiên gần nhất bao gồm FPT; MBB; VPB. Trong khi đó bán ròng chủ yếu các mã BSR; POW; NVL.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước là khối duy nhất rút ròng khỏi thị trường trong phiên giao dịch đầu xuân với giá trị gần 940 tỷ đồng.
Hiện là mùa công bố báo cáo tài chính quý 4/2022, tính đến 19/1/2023, có 440/1609 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (chiếm 39,2% tổng giá trị vốn hóa trên cả 3 sàn) đã có ước tính về kết quả kinh doanh cho Q4/2022, trong đó bao gồm 12/27 ngân hàng và 421/1518 doanh nghiệp Phi tài chính.
Theo FiinTrade, tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) quý 4/2022 của 440 ngân hàng và DN này giảm -38,4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tỷ lệ DN ghi nhận giảm về lợi nhuận chiếm áp đảo (hơn 60%).
Cụ thể, về khối tài chính, LNST tăng 16,6% so với cùng kỳ trong đó 12/27 ngân hàng niêm yết công bố kết quả kinh doanh với lợi nhuận tăng trưởng 24,5% so với quý 4/2021, song giảm mạnh so với mức tăng 60,3% cùng kỳ trong quý 3.
Về Khối phi tài chính: LNST của 421 DN Phi tài chính giảm -70,3% cùng kỳ trong quý 4, chủ yếu là các DN thuộc ngành Thép, Hóa chất, Hàng không, Tiện ích. Ở chiều ngược lại, trong số hơn 130 DN có LNST quý 4-2022 tăng trưởng cao so với cùng kỳ, đáng chú ý là nhóm Dịch vụ dầu khí và Chế biến thực phẩm.
Đánh giá thị trường, Agriseco Research cho rằng, nhìn tổng thể diễn biến VN-Index trong 5 phiên gần nhất, có thể thấy lực cầu tham gia của khối ngoại vẫn hỗ trợ tương đối tốt về tâm lý chung của thị trường. Điều này thể hiện qua việc thanh khoản mặc dù chỉ cao hơn khoảng 10% so với bình quân 2 tuần gần đây, nhưng có xu hướng tăng dần, đồng thuận với diễn biến tăng điểm của chỉ số.
Do đó, VN-Index vẫn nối dài chuỗi 8 phiên tăng điểm liên tục. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với rủi ro chốt lời có thể tăng lên trong các phiên tới. Thực tế phiên cuối tuần qua, mặc dù Index vẫn tăng điểm cả phiên, song áp lực chốt lời đã xuất hiện trong nửa cuối phiên chiều, thể hiện qua việc chỉ số mất khoảng 8 điểm trong khoảng 15 phút trước khi hồi lại 5 điểm vào phiên ATC, chuyên gia Agriseco Research phân tích
Do vậy, tuần giao dịch sắp tới, Agriseco Research cho rằng, VN-Index có thể xuất hiện một vài nhịp điều chỉnh trong nửa đầu tuần sau để cân bằng cung-cầu. Nửa cuối tuần, kỳ vọng về việc FED nới lỏng hơn các chính sách tiền tệ hiện tại có thể là chất xúc tác để thị trường quay lại nhịp tăng điểm. Do đó, dự báo VN-Index trong tuần tới có thể dao động 1.080 – 1.150 điểm.
Về cơ hội đầu tư, Agriseco Research cho rằng, tâm điểm chính sẽ tập trung vào các nhóm ngành có KQKD cả năm 2022 khả quan và vẫn còn câu chuyện tăng trưởng thời gian tới, hoặc các nhóm ngành đang thu hút dòng vốn khối ngoại.
Tuy nhiên, với việc thị trường đã tăng hơn 10% kể từ đầu năm và chưa có nhịp điều chỉnh lớn xuất hiện, nhà đầu tư nên chú ý rủi ro chốt lời có thể xảy ra. Vì vậy, sẽ phù hợp hơn nếu nhà đầu tư tích luỹ các cổ phiếu thuộc những nhóm chủ đề trên tại các nhịp điều chỉnh của thị trường.
Cụ thể, một số nhóm ngành Agriseco Research khuyến nghị ưu tiên thời điểm này bao gồm:
Nhóm dầu khí với một số cổ phiếu nhóm thượng nguồn như PVS, GAS ghi nhận KQKD cả năm khá tích cực. Đây cũng là các cổ phiếu được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ đại dự án Lô B – Ô Môn trong tương lai.
Nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng với kỳ vọng được hưởng lợi từ các đại dự án đầu tư công như Cao tốc Bắc – Nam, đường Vành đai hay Sân bay Long Thành.
Nhóm ngân hàng, tập trung tại các cổ phiếu trong nhóm VN30 khi KQKD của nhóm này tương đối tốt so với mặt bằng chung thị trường. Ngoài ra, ngân hàng cũng là nhóm ngành thu hút dòng vốn khối ngoại, đặc biệt là quỹ ETF trong thời gian gần đây.