Tài chính - Chứng khoán
Góc nhìn TTCK tuần trước Tết Nguyên đán 2022: “Mang tiền về cho mẹ”
Phan Hằng - 23/01/2022 14:09
Lịch sử đều cho thấy cuối năm thường có quãng điều chỉnh rộng hơn, vì tâm lý nhà đầu tư có lời là muốn chốt lời, rút tiền về sau một năm đầu tư hơn là giải ngân mạnh.
TIN LIÊN QUAN

Cổ phiếu bất động sản nổi sắc tím: cơ hội về bờ?

Giảm sàn liên tục và mất thanh khoản khiến nhà đầu tư nằm giữ các cổ phiếu bất động sản tăng nóng như FLC, ROS, CII, NBB, DIG, CEO… mất ăn mất ngủ, lúc này họ chỉ mong “về bờ”. Nhưng với 2 phiên tăng trần cuối tuần trước, vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư đang đặt cược đỏ đen vào đà tăng của cổ phiếu không hề đến từ các cơ sở nền tảng của doanh nghiệp. Điều nguy hiểm là cổ phiếu tăng/giảm họ đều không có được phân tích, không hiểu vì sao diễn biến lại như vậy, chỉ cần cổ tăng là lao vào mua, giảm là bán tháo hoảng loạn. 

Nhiều nhà đầu tư trong đợt giảm vừa qua cho biết, bao nhiêu tài sản tích góp đã tất tay với CEO, nhưng giá vốn rất cao, trên 75.000 đồng/cổ phiếu đã lâm vào trạng thái hoảng loạn, tự trách bản thân tham lam không biết chốt lời khi giá cổ phiếu gần chạm mốc 3 chữ số, để rồi giờ chịu đựng sự giày vò cổ phiếu giảm sàn không biết điểm dừng. May mắn đến với nhà đầu tư này, với 2 cây trần cuối tuần, khoảng cách so với giá vốn đang rút dần lại, giờ đây, chị chỉ mong huề vốn. 

Nhưng ngược lại, vẫn rất nhiều nhà đầu tư khác, sau cú giảm trên, vẫn đang tát tay theo sắc màu xanh tím của cổ phiếu. 

Chia sẻ với Báo điện tử Đầu tư - baodautu.vn, giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, không chỉ dòng tiền bắt đáy mà có thể kéo trần các cổ phiếu bất động sản kể trên mà ở đây cho thấy dấu hiệu nhà đầu tư lớn muốn dẫn dắt tâm lý của nhà đầu tư nhỏ lẻ “ngon rồi, vào đường đua rồi”, kích thích lòng tham của nhà đầu tư. Nên, việc tăng giá của nhiều cổ phiếu trên, kể cả cổ phiếu FLC (vừa trải qua đợt giảm sâu nhất trong các cổ phiếu tăng nóng vừa qua) là không bình thường. Thông thường khi cổ phiếu bị tác động bởi nhà đầu tư/nhóm nhà đầu tư lớn sẽ tăng không bền vững và sẽ sớm điều chỉnh, bởi chỉ cần đạt được lợi nhuận họ sẽ bán ra dần, chỉ còn các nhà đầu tư nhỏ lẻ ôm cổ phiếu và câu chuyện triển vọng doanh nghiệp thì mãi chưa thấy thành hiện thực. 

Vị này cho rằng, nên tránh các cổ phiếu tăng không có lý do, không đi theo nền tảng cơ bản, theo hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

“Không ai cứ mua cổ phiếu rồi kéo lên cho các bạn hưởng lợi cả, dù biết rằng nhiều nhà đầu tư chỉ suy nghĩ đơn giản theo hướng muốn bỏ đồng vốn và đi theo các xu hướng tăng giá để kiếm đồng lãi, nhưng thị trường không dễ như vậy”, vị này nói.

Trong một chương trình mới đây, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment chia sẻ cú ngã “trăm tỷ”, thậm chí phải bán nhà để xoay sở sau cú all in (tất tay) vào cổ phiếu VPB năm 2018. Kinh nghiệm đắt giá, được ông Trung rút ra là “tự tin thái quá”. Giai đoạn trước đó, 2015-2018, Passion Investment liên tục có những deal đầu tư thắng lợi, tỷ lệ “chiến thằng”rất , dẫn đến sự tự tin cao và nghĩ rằng mình không thể lựa chọn sai được.

"Với VPB, lúc thoái khỏi khoản đầu tư này thì lỗ khoảng 20%, không quá lớn, nhưng nói về giá trị tuyệt đối là rất nhiều", ông Trung cho biết.

Ông Trung thậm chí có giai đoạn mất đi sự tự tin rằng mình không có năng lực đầu tư. Và hóa giải bằng cách quay trở lại thị trường với một khoản vốn nhỏ, không phải để tìm kiếm lợi nhuận, mà để tìm lại cảm giác tự tin. Với khoản vốn nhỏ, giải ngân đầu tư và sinh lợi để từng bước tự tin, và điều chỉnh cách đầu tư, quản trị rủi ro hơn, nghe ý kiến phản biện nhiều hơn và luôn tâm niệm “mình có thể sai”. Theo đó, cách làm hiện nay của Passion là vẫn đầu tư tập trung nhưng không all in.

“Ai cũng có xu hướng quên dần cảm giác đau thương ngày xưa, tôi cũng thế, nhưng điều này nguy hiểm là trong tương lai mình có thể lặp lại sai lầm đó. Nhà đầu tư chỉ có thể duy trì được kỷ luật khi luôn nhớ những cảm xúc thương đau đã qua”, ông Trung nói.

Còn theo vị giám đốc trên, đa phần nhà đầu tư có hành động như trên đều do chưa hình thành được phương pháp đầu tư, chưa hề có kinh nghiệm phân tích doanh nghiệp, chỉ mua bán theo đà tăng của cổ phiếu. Theo đó, các nhà đầu tư phải tự xem lại quan điểm đầu tư và kỳ vọng lợi nhuận của mình, bởi đang rất nhiều nhà đầu tư nhưng hành xử như nhà đầu cơ: không cần biết doanh nghiệp làm gì, lãnh đạo là ai, làm ăn kinh doanh như thế nào,….họ mua bán quá chủ cao, chạy theo những cổ phiếu xanh tím. 

Nếu là nhà đầu tư thì cần nghiên cứu, phân tích, quan sát và lợi nhuận ai cũng mong muốn nhưng nên đến từ chuẩn mực và có nền tảng cơ bản, ngược lại, họ đang mua bán cổ phiếu không khác gì hành động đặt cược trong cơ bản, mua bán thắng thua theo may rủi. “Thị trường chứng khoán là thị trường vốn, là sân chơi tài chính bậc cao, không phải cờ bạc, không nên đánh cược vào cổ phiếu”, giám đốc công ty chứng khoán nói.  

Nhà đầu tư nên tham khảo báo cáo tài chính doanh nghiệp, đọc báo cáo phân tích, kể cả các kênh chuyên về tài chính để có cái nhìn sâu rộng hơn về ngành, về doanh nghiệp. Phân tích xu hướng ngành nào hưởng lợi trong tương lai thì đầu tư mới bền vững, phải đãi cát tìm vàng thì mới không hoảng sợ khi thị trường điều chỉnh. 

Tuần trước tết Nguyên đán: “Mang tiền về cho mẹ”

Lịch sử đều cho thấy cuối năm thường có quãng điều chỉnh rộng hơn, vì tâm lý nhà đầu tư có lời là muốn chốt lời, rút tiền về sau một năm đầu tư hơn là giải ngân mạnh. Điều này dẫn đến hiện tượng cầu cổ phiếu yếu mà cung mạnh hơn khiến thị trường giảm điểm. 

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam chia sẻ thêm, khoảng thời gian nghỉ tết kéo dài 7-10 ngày, nhiều nhà đầu tư không muốn để không tiền trong chứng khoán nhưng vẫn chịu lãi margin, và trước và sau nghỉ lễ vẫn còn khoảng cả tuần lình xình nên không vội giải ngân. 

Yếu tố khác mang tính kích hoạt đà giảm sâu, theo ông Phương chủ yếu đến từ hành động đáng thất vọng của Chủ tịch FLC về việc “bán chui” cổ phiếu, thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc. Nhà đầu tư bán tháo cộng thêm việc cổ phiếu bất động sản và họ FLC bị đẩy quá cao, nên áp lực chốt lời cùng một thời điểm khiến giá cổ phiếu giảm sâu, ở các phiên sau lại hiệu ứng force sell đã tạo hiệu ứng domino ở nhiều cổ phiếu cơ bản khác.

Và cộng thêm ý định của nhiều nhà đầu tư muốn đầu cơ giá xuống cũng có những tác động nhất định vào đà giảm sâu của cổ phiếu. 

Với thị trường tuần tới, ông Phương cho rằng, các nguyên nhân đó rõ ràng thì dần tâm lý nhà đầu tư sẽ bình ổn, vấn đề force sell cũng đã hoàn tất trong vài ngày - giúp lực cung bán tháo giảm xuống, trong khi cầu bắt đáy đã nhen nhóm xuất hiện. Tuần cuối, thị trường chứng khoán sẽ tăng nhưng theo phân hoá vào cổ phiếu có nền tảng tốt, đã bị điều chỉnh quá đà nên có vùng giá hấp dẫn. Và với tâm lý mang tiền về đón Tết sau 1 năm cày cuốc nên tốc độ giải ngân sẽ không mạnh trong giai đoạn này. 

Lĩnh vực ngành nghề mà nhà đầu tư nên quan tâm và có thể hút tiền nhà đầu tư thời gian tới đó là các ngành hưởng lợi từ chính sách đầu tư công (điện, đường, trường, trạm, cầu cảng, sân bay…), cụ thể là xây dựng cơ bản, phát triển hạ tầng, vật liệu xây dựng trong đó sắt thép hưởng lợi rõ nét, và những ngành liên quan tài chính như chứng khoán, và bất động sản khu công nghiệp, bởi khi giao thương trở lại, “lót ổ đón đại bàng” chào đón các doanh nghiệp FDI khảo sát, mở nhà xưởng, xây dựng nhà máy là chắc chắn. 

Ngoài ra, một số lĩnh vực khác vẫn đang có sự ổn định như ngân hàng, may mặc, và dầu khí (trong đó dầu khí có rủi ro bién động địa chính trị, nên mức độ kém hấp dẫn hơn chút). 

Tin liên quan
Tin khác