Tài chính - Chứng khoán
Góc nhìn tuần 27/6 -1/7: Kỳ vọng bắt đầu quá trình tích, tạo đà hồi phục
Hải Trần - 26/06/2022 12:42
Khu vực 1.200 điểm tiếp tục là mốc quan sát quan trọng của VN-Index. Nếu chỉ số chinh phục thành công vùng cản kể trên, đà hồi phục có thể mở rộng.

Tuần qua, phân hoá là diễn biến chính của thị trường, và lực cung thường gia tăng khi chỉ số VN-index tiệm cận kháng cự 1.200 điểm khiến thị trường quay lại với trạng thái rung lắc. 

Đáng chú ý, nếu như phiên 23/6 xuất hiện cặp nến cảnh báo đảo chiều với số mã xanh gấp đôi mã đỏ, các mã cơ bản tốt bật mạnh, nhưng phiên xác nhận 24/6 lại là một phiên giảm điểm nhẹ khiến xác suất đảo chiều thành công giảm xuống, chưa đủ để xác nhận thị trường đảo chiều đi lên. 

Mốc 1.200 điểm tiếp tục là mốc quann trọng của chỉ số VN-index, nếu vượt cản thành công, đà hồi phục sẽ được mở rộng. Ngược lại, lui về dưới 1.200, chỉ số có thể sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ gần nhất là 1.160-1.150 điểm. 

Thanh khoản tiếp tục là vấn đề của thị trường khi sụt giảm 3 tuần liên tiếp. Chỉ số cũng có 3 tuần giảm điểm, VN-index đã có thời điểm chạm đáy của đợt điều chỉnh trước quanh 1.160 điểm nhưng đã có phiên 23/6 hồi phục khá mạnh và chốt tuần vẫn giữ được điểm số cao hơn đáy cũ với thanh khoản cạn kiệt dần. 

Theo CTCK SHS, thanh khoản thị trường trong 2 tuần gần nhất đang ở mức thấp hơn trung bình 20 tuần khá nhiều, với trạng thái tạm dừng đà rơi của VN-Index quanh đáy cũ và thanh khoản cạn kiệt dần chúng tôi hy vọng có thể thị trường sẽ bắt đầu quá trình tích lũy cạn kiệt mang tính trung hạn mặc dù còn quá sớm để có thể xác nhận quá trình này. Nếu quá trình tích lũy xảy ra thì biên độ giao động của VN-Index sẽ thu hẹp lại và biên giao động trong vùng 1.160 -1.300 điểm.

Trong kịch bản xấu hơn, VN-Index có thể sẽ thủng ngưỡng hỗ trợ 1.160 để hướng tới các cùng điểm số thấp hơn trong bối cảnh vĩ mô đang đối diện với nguy cơ lạm phát cao, Fed và các ngân hàng Trung ương đang thắt chặt chính sách tiền tệ, chứng khoán toàn cầu cũng đang trên đà suy giảm mạnh ...là những yếu tố có thể làm dấy lên lo ngại đối với nhà đầu tư để dẫn tới kịch bản này. Tuy nhiên, SHS kỳ vọng vào kịch bản thị trường bắt đầu tích lũy trở lại hơn là kịch bản xấu có thể xảy ra.

Thị trường đã trở lại vùng đáy của đợt điều chỉnh trước và P/E thị trường vẫn chỉ quanh 12.5, nhiều doanh nghiệp niêm yết đang có định giá hấp dẫn, mặc dù chưa xác định được kịch bản đường đi của VN-Index nhưng với nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang được định giá khá hấp dẫn ở mặt bằng giá hiện tại là cơ hội giải ngân đối với nhà đầu tư dài hạn. Mặc dù nền kinh tế đang đối mặt bởi nguy cơ lạm phát, nhưng với đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trong Quý 1 khá ấn tượng thì mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại vẫn là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn tích lũy dần cổ phiếu.

Việt Nam chống chọi tố hơn với việc Fed tăng lãi suất

Những nỗ lực của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát, chủ yếu gây ra bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu, đã khiến thị trường chứng khoán trên toàn thế giới lao dốc. Một số nhà đầu tư đặc biệt lo ngại về khả năng xảy ra một “cơn bão” đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi, do lãi suất toàn cầu tăng mạnh, chỉ số USD/DXY tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và sự gia tăng gần đây của giá năng lượng và thực phẩm.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm hơn 20% so với đầu năm, một phần do chỉ số S&P500 đã điều chỉnh 21% so với đầu năm vì hiện tượng “hệ số tương quan tiến đến một trong giai đoạn thị trường điều chỉnh”. 

Theo ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital, mặc dù chỉ số VN-Index hiện có dấu hiệu suy giảm cùng với thị trường chứng khoán toàn cầu, nhưng nền kinh tế đất nước vẫn đang trong tình trạng vững mạnh, chủ yếu do tiêu dùng nội địa - chiếm 2/3 GDP của Việt Nam - đang bùng nổ.

Ông Michael Kokalari tin rằng nền kinh tế Việt Nam đang chống chịu tốt hơn với những khó khăn hiện tại ở Mỹ và châu Âu so với trước đây, nhờ các chính sách của Chính phủ đã đưa ra trong suốt thập kỷ qua để bảo vệ nền kinh tế của đất nước khỏi những cơn bão kinh tế toàn cầu.

Việc củng cố khả năng chống chịu của Việt Nam giúp quốc gia đối phó tốt hơn với các đợt tăng lãi suất của Fed so với các chu kỳ tăng lãi suất trước đây. Sự cải thiện này được phản ánh bởi tác động giảm thiểu mà các bất ổn hiện nay trên thị trường toàn cầu đang gây ra đối với tỷ giá USD-VND - so với trước đây. 

Do đó, thị trường có đồng thuận rằng kỳ vọng EPS của VN-index sẽ tăng trưởng gần 20% trong năm nay, theo Bloomberg. Vì thế, VinaCapital kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ một khi Fed nới lỏng việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, điều tương tự không thể xảy ra đối với tất cả những nền kinh tế mới nổi khác, đặc biệt là các quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai và các khoản nợ bằng USD khổng lồ, ông Michael Kokalari nhận định. 

Chi tiết hơn, tiền đồng mất giá chưa đến 2% so với đầu năm, so với mức giảm 5% của đồng Nhân dân tệ, và lạm phát ở Việt Nam vẫn đang ở mức khiêm tốn - trái ngược hoàn toàn với hầu hết các nền kinh tế phát triển và mới nổi.

Tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái của Việt Nam hiện ở mức dưới 3%, và chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ lạm phát của cả nước sẽ đạt mức trung bình 3,5% trong năm nay (CPI của Việt Nam có khả năng đạt đỉnh ở mức khoảng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa sau của năm 2022, và sau đó giảm xuống 4,5% vào cuối năm). 

Chính phủ đặt mục tiêu giữ tỷ lệ lạm phát trung bình của Việt Nam dưới 4% trong năm nay, vì vậy dự báo của VinaCapital có nghĩa rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ không cần tăng lãi suất chính sách - hiện đang ở mức khoảng 4% - trái ngược với các quốc gia ASEAN mới nổi khác cùng khu vực khi tất cả các nước này đều đang tăng lãi suất, hoặc dự kiến sẽ tăng lãi suất trong những tuần tới. (Lưu ý rằng Trung Quốc và Nhật Bản là hai ngân hàng trung ương lớn duy nhất trên thế giới không tăng lãi suất)

Cuối cùng, sự cải thiện trong khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cơn bão kinh tế toàn cầu là kết quả của các chính sách đã được thực hiện trong suốt thập kỷ qua sau quyết định được đưa ra ở các cấp cao nhất của Chính phủ Việt Nam vào khoảng năm 2011. 

Vào thời điểm đó, các nhà hoạch định chính sách đã thay đổi cách tiếp cận trong việc quản lý nền kinh tế Việt Nam, chuyển từ ngầm chấp thuận tăng trưởng GDP thiếu kiểm soát, sang cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. 

Các quyết định chính sách xuất phát từ sự thay đổi mang tính chiến lược đó bao gồm nhiều chính sách an toàn vĩ mô, kiểm soát cho vay tín dụng thiếu cẩn trọng của các ngân hàng thương mại trong nước, và nỗ lực gia tăng mức dự trữ ngoại hối của quốc gia - kết quả của nỗ lực này có thể được nhìn thấy ở biểu đồ phía dưới.

Hơn nữa, ông Michael Kokalari cho biết, khi Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ vào năm 2015, sự kiện làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu (bao gồm cả Việt Nam), NHNN đã chuyển từ cố gắng duy trì tỷ giá USD-VND cố định sang thực hiện chế độ “thả nổi có quản lý”, điều càng giúp ổn định hơn nữa nền kinh tế vĩ mô của đất nước, và từ đó củng cố khả năng chống chịu của Việt Nam trước những cơn bão kinh tế toàn cầu.

Tựu chung lại, các đợt tăng lãi suất mạnh của Fed đã làm trầm trọng hơn tình trạng kinh tế trên thế giới vốn đã trong trạng thái căng thẳng do chiến tranh Nga-Ukraine và sự kiện Trung Quốc đóng cửa do COVID và đã đè nặng lên thị trường chứng khoán toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng chống chọi với các cú sốc kinh tế toàn cầu của Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với trước đây, phần lớn là do các chính sách đúng đắn của Chính phủ nhằm cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế.

Khả năng chống chịu này, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP và tăng trưởng thu nhập cao của Việt Nam sẽ thúc đẩy chỉ số VN-Index tăng đáng kể nếu-và-khi Fed từ bỏ việc tăng lãi suất, ông Michael Kokalari nhận định. 

 

Tin liên quan
Tin khác