Động thái né tránh minh bạch thông tin đấu thầu với báo chí từ phía chủ đầu tư làm dấy lên nghi ngại tồn tại sai sót ở khâu lựa chọn nhà thầu tại gói thầu Mua sắm thiết bị nâng cao năng lực đào tạo cho các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Kiên Giang - đơn vị thụ hưởng gói thầu. |
Gom các lô thầu, “cửa” nào cho nhà thầu vừa và nhỏ?
Gói thầu Mua sắm thiết bị nâng cao năng lực đào tạo cho các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thuộc Dự án Đầu tư mua sắm thiết bị nâng cao năng lực đào tạo cho các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh Kiên Giang do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng CIC Nam Việt giữ vai trò bên mời thầu.
Ngày 28/8/2020, bên mời thầu phát đi thông báo mời thầu. Cụ thể, gói thầu trên sử dụng ngân sách tỉnh Kiên Giang, hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn, 2 túi hồ sơ. Thời gian đóng/mở thầu là 14 giờ ngày 21/9/2020. Danh mục mua sắm bao gồm hàng trăm thiết bị phục vụ đào tạo kỹ thuật điện, điện lạnh, máy tính; bảo trì, sửa chữa ô tô; dạy nghiệp vụ nhà hàng, khách sạch, resort; nuôi trồng thủy sản, thú y; tủ, bàn ghế phục vụ dạy nghề...
Theo Quyết định số 2487/QĐ-UBND, ngày 31/10/2019 của UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt Dự án, giá trị mua sắm thiết bị của gói thầu này là hơn 32,4 tỷ đồng.
Sau hơn 1 tháng và trải qua 2 vòng chấm hồ sơ đề xuất kỹ thuật, tài chính của các ứng thầu, ngày 26/10/2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 17460/QĐ-LĐTBXH phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Nhà thầu thắng thầu là Công ty cổ phần Quốc tế MBA (có trụ sở tại TP.HCM) với giá trúng thầu 32,238 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhìn vào kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố, có thể thấy, tỷ lệ giảm thầu rất khiêm tốn (0,61%), mặc dù cuộc đấu thầu này thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhà thầu HQ (đề nghị được giấu tên) nhấn mạnh, các bước thực hiện lựa chọn nhà thầu của gói thầu Mua sắm thiết bị nâng cao năng lực đào tạo cho các trường trung cấp tỉnh Kiên Giang có nhiều nghi vấn, không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu.
Nhà thầu HQ cho biết, theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang phê duyệt, gói thầu trên phải chia thành 6 lô/phần thầu, nhưng khi lập hồ sơ mời thầu, trên cơ sở đề nghị của đơn vị tư vấn đấu thầu (Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng CIC Nam Việt), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt việc “gom” 6 lô/phần thầu thành 1 lô/phần thầu lớn, làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu vừa và nhỏ tại địa phương và khiến tính cạnh tranh trong đấu thầu giảm mạnh. Do đó, nhà thầu HQ kết luận, chủ đầu tư và bên mời thầu không thực hiện đúng kế hoạch lựa chọn nhà thầu được cơ quan hữu trách phê duyệt trước đó.
Cần phải nói thêm rằng, theo Luật Đấu thầu và các nghị định, thông tư hướng dẫn, khi tham gia các gói thầu có chia thành nhiều lô/phần thầu, các nhà thầu có thể tham gia ứng thầu một, một số hoặc tất cả các phần thầu. Quy định này tạo ra độ mở lớn, tăng tính cạnh tranh cho cuộc thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa tốt nhất với giá cả cạnh tranh nhất.
“Khi chủ đầu tư quyết định gom 6 lô/phần thầu, cơ hội tham gia gói thầu đã đóng sập lại đối với những nhà thầu vừa và nhỏ tại địa phương. Chúng tôi chỉ còn nước chầu rìa cuộc đấu”, nhà thầu HQ nói.
Thêm một nghi vấn nữa được nhà thầu HQ đưa ra là, gói thầu mua sắm thiết bị nâng cao năng lực đào tạo cho các trường trung cấp tỉnh Kiên Giang chưa được cơ quan hữu trách phê duyệt dự toán để làm cơ sở xác định giá gói thầu. Thay vào đó, chủ đầu tư lấy mức đầu tư trong quyết định phê duyệt dự án làm giá gói thầu.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, thì chỉ sau 1 ngày có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang và nhà thầu thắng thầu (Công ty CP Quốc tế MBA) giao kết Hợp đồng số 14/2020/HĐ-MSTB-MBA ngày 27/10/2020 (gọi tắt là Hợp đồng số 14) thực hiện các phần việc của gói thầu nêu trên. Qua bóc tách chủng loại, giá cả các mặt hàng trong Hợp đồng số 14 và bằng phương pháp so sánh, đối chiếu, phóng viên Báo Đầu tư nhận thấy, không ít mặt hàng được chủ đầu tư mua sắm với giá cao so với giá thị trường.
Đơn cử, mặt hàng smart tivi 4K, 65 inch, nhãn hiệu Samsung mã BE-65T-H có giá mua 34,134 triệu đồng; smart tivi QLED 4K, 80 inch, nhãn hiệu Samsung mã QE80T có giá mua 126,6 triệu đồng, trong khi giá tham khảo trên thị trường của 2 mặt hàng này lần lượt khoảng 19,9 triệu đồng và 88,9 triệu đồng. Nhà thầu HQ cho biết thêm, trong Hợp đồng số 14, mặt hàng Kit thực hành ITS PLC Professional có giá mua 222,6 triệu đồng, bộ thí nghiệm PLC S7-1200 có giá mua 212,7 triệu đồng, trong khi ngoài thị trường, các thiết bị đó chỉ có giá khoảng vài chục triệu đồng…
Ngoài ra, nhà thầu HQ còn bày tỏ lo ngại, vì gói thầu thiết bị nâng cao năng lực đào tạo cho các trường trung cấp có tính chất mua sắm hỗn hợp, nhiều thiết bị và giá trị lớn, nên rất khó cho 1 nhà thầu đáp ứng tất cả yêu cầu hợp đồng tương tự về tính chất. Do đó, các hợp đồng tương tự số 0406/HĐTB-NH-MBA-2015; 12/2018/HĐTB; 47/2018/HĐ-ĐHKG; 30.6/2020/HĐMSTB/CĐCĐ do nhà thầu Công ty CP Quốc tế MBA đề xuất có dấu hiệu không đáp ứng yêu cầu tương tự về mặt tính chất.
Thêm nữa, nhà thầu HQ cũng nêu nghi vấn, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu; người hữu trách ký quyết định chỉ định thầu các gói thầu: thẩm định giá thiết bị; tư vấn lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu; tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu; tư vấn giám sát lắp đặt thiết bị chưa có chứng chỉ hành nghề đấu thầu.
“Chuyền bóng” minh bạch thông tin
Trước phản ánh của nhà thầu về công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu tại gói thầu Mua sắm thiết bị nâng cao năng lực đào tạo cho các trường trung cấp tỉnh Kiên Giang, phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với ông Đặng Hồng Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang nhằm xác thực các nghi vấn.
Sau hơn 1 tuần chờ xếp lịch hẹn, sáng ngày 12/11, như đã thống nhất lịch làm việc từ trước, phóng viên Báo Đầu tư tới văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang để gặp người hữu trách. Nhưng rất tiếc, ông Đặng Hồng Sơn lại có chuyến “công tác đột xuất” và không thể làm việc với phóng viên Báo Đầu tư để cung cấp thông tin.
Chiều cùng ngày (12/11/2020), theo ủy quyền từ chủ đầu tư - ông Ngô Tấn Lộc, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng CIC Nam Việt, đơn vị đóng vai trò tư vấn đấu thầu có buổi làm việc với phóng viên Báo Đầu tư.
Tại buổi làm việc này, phóng viên Báo Đầu tư đề nghị bên mời thầu cung cấp 6 nội dung: Quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu tư vấn lựa chọn nhà thầu; Biên bản đóng/mở thầu; Báo cáo Đánh giá hồ sơ (dự thầu) đề xuất kỹ thuật; Quyết định thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu; Quyết định phê duyệt dự toán gói thầu; trích lục hồ sơ dự thầu (phần hợp đồng tương tự) do nhà thầu Công ty CP Quốc tế MBA đề xuất. Các tài liệu này đều đã hết thời hiệu bảo mật theo Luật Đấu thầu.
Trước đề nghị trên, ông Ngô Tấn Lộc thẳng thừng từ chối cung cấp 3 tài liệu gồm: Báo cáo Đánh giá hồ sơ (dự thầu) đề xuất kỹ thuật; Quyết định phê duyệt dự toán gói thầu; trích lục hồ sơ dự thầu (phần hợp đồng tương tự) do nhà thầu Công ty cổ phần Quốc tế MBA đề xuất với lý do chưa có ý kiến của chủ đầu tư.
Trước ý kiến của phóng viên Báo Đầu tư rằng, CIC Nam Việt đã nhận ủy quyền từ chủ đầu tư (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang) làm việc và cung cấp thông tin cho Báo Đầu tư, ông Lộc giữ quan điểm “im lặng” và nhất mực khẳng định, không cung cấp 3 tài liệu nêu trên.
Đối với 3 tài liệu còn lại, gồm: Quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu tư vấn lựa chọn nhà thầu; Biên bản đóng/mở thầu; Quyết định thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu, ông Ngô Tấn Lộc nói, sẽ chụp và gửi cho phóng viên Báo Đầu tư vào cuối giờ chiều.
Cuối giờ chiều vẫn không nhận được bản chụp 3 loại tài liệu trên, chúng tôi liên hệ lại với ông Ngô Tấn Lộc thì nhận được câu trả lời: không thể cung cấp bất kỳ tài liệu nào liên quan tới gói thầu và đề nghị Báo liên hệ lại với chủ đầu tư.
Sau đó, Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Kiên Giang điện cho phóng viên thông báo đơn vị này không thể cung cấp thông tin đấu thầu cho Báo. Trong 2 tuần tiếp sau, phóng viên Báo Đầu tư nhiều lần liên hệ lại với ông Đặng Hồng Sơn, nhưng điện thoại của vị lãnh đạo này luôn trong tình trạng reo chuông nhưng không nghe máy.
Có thể thấy, quả bóng “minh bạch” thông tin đấu thầu gói thầu Mua sắm thiết bị nâng cao năng lực đào tạo cho các trường trung cấp tỉnh Kiên Giang được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang và CIC Nam Việt “đá qua”, “chuyền lại” và rơi vào im lặng. Cho đến thời điểm này, những nghi vấn của nhà thầu về sai sót trong đấu thầu mua sắm thiết bị đào tạo cho các trường trung cấp tỉnh Kiên Giang vẫn trong trạng thái mập mờ, chưa thể sáng tỏ.
Phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị vị lãnh đạo này phát ngôn quan điểm về sự việc để có thông tin tiếp cho độc giả.