Nhà máy của Golden Gate tại KCN Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội) có công nghệ hiện đại. |
Tăng tốc
iCOOK là thương hiệu thuộc Golden Gate Restaurant Group, được xây dựng dựa trên mong muốn đem những món ăn chất lượng tiêu chuẩn nhà hàng đến với bữa ăn gia đình hàng ngày. Với tiêu chí ngon - sạch - nhanh, iCOOK cung cấp các dòng sản phẩm sơ chế được đóng gói của chuỗi nhà hàng danh tiếng như Sumo BBQ, Kichi Kichi, Ashima, Gogi House...
Thương hiệu này tồn tại hơn 8 năm qua, nhưng không được Golden Gate ưu tiên phát triển mở rộng thị phần. Nhưng trong 3 năm đại dịch Covid-19, iCook bắt đầu tỏ rõ lợi thế khi người tiêu dùng nấu ăn tại nhà nhiều hơn.
Vậy nên, Golden Gate vừa chính thức ra mắt thương hiệu Golden Gate Foods và khánh thành nhà máy thực phẩm thứ hai tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (Hà Nội).
Golden Gate Foods tiền thân là Công ty TNHH Tây Hồ Vĩnh Phúc, thành lập vào năm 2004. Ngành nghề kinh doanh chính của Công ty là sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói các sản phẩm từ thịt. Từ tháng 2/2024, Tây Hồ Vĩnh Phúc chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Golden Gate Foods, chủ sở hữu là Công ty cổ phần Tập đoàn Golden Gate.
Đầu năm 2023, Golden Gate góp thêm 90 tỷ đồng bằng hình thức tiền mặt và tài sản vào công ty này. Cổ đông lớn nhất của Công ty Đầu tư Tây Hồ - Vĩnh Phúc hiện nay là Công ty Two Kings Invest, đồng thời là cổ đông sáng lập, với tỷ lệ sở hữu 79,37% vốn điều lệ. Ngoài ra, công ty còn một số cổ đông cá nhân lớn là ông Nguyễn Đình Mạnh (nắm 14,02%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Thu (sở hữu 6,61%).
Trước đó, vào cuối năm 2022, Golden Gate cũng đã thông qua giao dịch chuyển giao 2 nhãn hiệu và 9 tên miền từ ông Đào Thế Vinh (Tổng giám đốc và thành viên HĐQT) sang Golden Gate.
Ngoài ra, Công ty cũng thông qua việc mua bán tài sản thanh lý cửa hàng iCOOK đã đóng thuộc sở hữu của Công ty TNHH Golden Gate Franchise (GCF), do ông Đào Thế Vinh làm đại diện pháp luật sang Golden Gate.
Cuối năm 2023, Golden Gate cũng thâu tóm thêm thương hiệu trong lĩnh vực dịch vụ và nhà hàng ăn uống phục vụ lưu động là Công ty cổ phần Sumibi Việt Nam, với tỷ lệ mua 79,9% cổ phần. Thời gian thực hiện là năm 2023 hoặc 2024.
Golden Gate Foods là công ty sở hữu chuỗi nhà máy sản xuất và trung tâm sơ chế, chế biến, phân phối thực phẩm cho các nhà hàng thuộc hệ thống Golden Gate Group, các doanh nghiệp thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh và các tổ chức khác. Ngoài ra, Golden Gate Foods còn cung cấp những dịch vụ như quản lý kho vận, R&D, chuyển giao công nghệ...
Nhà máy thứ nhất được đặt tại An Khánh, với quy mô 3.200 m2. Tại đây, nhà máy sơ chế và chế biến một số dòng sản phẩm trọng yếu như sơ chế thịt, hải sản, rau củ quả; sản xuất các loại sốt, mỳ tươi, há cảo... để cung cấp đến toàn bộ chuỗi nhà hàng Golden Gate Group.
Nhà máy thứ hai có diện tích gần 2 ha, với 3 dây chuyền sản xuất cốt canh, kem và đồ viên. Với công suất thiết kế 15.000 tấn thực phẩm mỗi năm, nhà máy tại Thạch Thất - Quốc Oai nói riêng và Golgen Gate nói chung sẽ phục vụ hàng triệu bữa ăn tại các nhà hàng và hộ gia đình.
Theo ông Đào Thế Vinh, hiện Golden Gate có hơn 500 nhà hàng và hơn 18 triệu lượt khách.
Tập trung vào chiến lược cốt lõi
Trên thị trường ẩm thực lẩu nướng, Golden Gate hiện có đối thủ là Redsun với các thương hiệu như ThaiExpress, King BBQ, Sushi Kei…
Tháng 6/2023, Golden Gate công bố nhận diện thương hiệu mới sau 18 năm thành lập. Động thái này thể hiện quyết tâm của Công ty trong việc đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới, cũng như mang mô hình ẩm thực quốc tế về Việt Nam.
Trong đó, việc mở rộng quy mô các chuỗi cửa hàng ăn uống được xem là chiến lược cốt lõi. Ngoài các thương hiệu đã thành danh như Kichi Kichi, Manwah, Gogi House..., Golden Gate đã bước chân vào một ngách thị trường mới là cơm suất bệnh viện với cụm dịch vụ căng tin, cà phê, siêu thị tiện ích Benhvientot.vn.
Lãnh đạo Golden Gate từng cho biết, có kế hoạch mở thêm 600 nhà hàng, nâng tổng cộng lên trên 1.000 điểm, hướng tới doanh thu 1 tỷ USD trong vài năm tới.
Theo ông Đào Thế Vinh, năm 2023 là cú sốc lớn đối với Công ty, dù đạt 80% doanh thu so với trước dịch, nhưng lợi nhuận chưa đạt.
“Chúng tôi cố gắng thích nghi với những cú sốc đó. Có những lợi ích khi chúng tôi tập trung vào thế mạnh cốt lõi, cắt tỉa một số mảng kinh doanh chưa hiệu quả”, ông Vinh cho biết.
Việc đầu tư nhà máy thứ hai mang tinh thần quyết liệt của Công ty trong bối cảnh ngành hàng F&B, thực phẩm tiêu dùng chưa vượt qua khủng hoảng. Đây là đầu tư cho tương lai với tầm nhìn 20-30 năm.
Ông Vinh kỳ vọng, đầu tư nhà máy mới sẽ cung cấp cho các chuỗi nhà hàng đang có, dư địa mở rộng quy mô trong mảng khác. Công ty sẽ phát triển chuỗi cửa hàng phân phối riêng cho iCook và kỳ vọng mảng sản phẩm này chiếm 30-40% trong tổng doanh thu của công ty thời gian tới.