Cụ thể, MUFG - một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới và là ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, sẽ đầu tư 706 triệu USD vào Grab. TIS - nhà cung cấp giải pháp mạng và dịch vụ hệ thống tích hợp hàng đầu Nhật Bản, sẽ đầu tư 150 triệu USD vào Grab.
Khoản đầu tư mới từ các nhà đầu tư Nhật Bản là kết quả sau sự tăng trưởng ấn tượng của Grab trong năm 2019, khi công ty củng cố vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực đặt xe công nghệ, giao nhận thức ăn và thanh toán di động ở khu vực Đông Nam Á. Grab Financial Group cũng nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh, bổ sung thêm các sản phẩm dịch vụ tài chính như bảo hiểm tiêu dùng và cho vay tiêu dùng trong khu vực.
Tháng 8/2019, Grab công bố đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tiếp theo. Trước đó, công đã nộp hồ sơ xin giấy phép ngân hàng số tại Singapore và ra mắt giải pháp quản lý tài sản GrabInvest. Theo thỏa thuận hợp tác bước đầu với MUFG, cả hai công ty sẽ đồng phát triển các dịch vụ và sản phẩm tài chính thế hệ mới dựa trên sự thấu hiểu khách hàng của hai bên, hướng đến đáp ứng tốt hơn nhu cầu tài chính của đối tác nhà hàng, đối tác tài xế và người dùng Grab.
Bước tiến này của Grab đã được dự đoán trước, dịch vụ tài chính cá nhân ở châu Á, nơi có gần 1 tỷ người không tiếp xúc với ngân hàng ( theo báo cáo World Bank 2018) mới là tham vọng Grab theo đuổi ngay từ những ngày đầu. Thông qua việc mức chi tiêu trên ứng dụng Grab hằng tháng, công ty sẽ chấm điểm tín dụng người dùng rồi tiến hành cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân phù hợp.