Sáng nay 28/8/2019, tại Singapore, Grab Holdings Inc. (Grab) vừa công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam trong 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính (fintech), công nghệ di động mới (mobility) và logistics. Khoản đầu tư này tiếp nối sự tăng trưởng mạnh mẽ của Grab trong nửa đầu năm 2019 trên cả ba lĩnh vực kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử.
Grab sẽ đầu tư thêm 500 triệu phát triển hệ sinh thái tại Việt Nam |
Grab cũng sẽ ưu tiên triển khai các lĩnh vực phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam , đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư nhằm ủng hộ tiến trình thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường của Chính phủ tới năm 2020 và sau đó.
Kể từ khi hoạt động tại Việt Nam vào năm 2014, đến nay Grab đã trở thành siêu ứng dụng dẫn đầu trên thị trường và là lựa chọn hàng đầu của người dân cho các dịch vụ giao nhận thức ăn và kết nối di chuyển . Trong khi đó, Moca - đối tác chiến lược của Grab - đang là một trong những công ty dẫn đầu thị trường về thanh toán điện tử.
Tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab đạt mức tăng trưởng đến 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70%. GrabFood, nền tảng giao nhận thức ăn hàng đầu Việt Nam, đạt tổng giá trị giao dịch tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng đơn hàng trung bình hàng ngày đạt đến 300.000 đơn hàng. Cũng trong khoảng thời gian này, GrabFood đã ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác kinh doanh hàng đầu như Lotteria và một số thương hiệu khác.
Cho tới nay, Grab đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng trăm ngàn đối tác tài xế với tổng với thu nhập tích lũy gần 1 tỷ USD, đồng thời hỗ trợ hàng triệu người dân tiếp cận với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua quan hệ đối tác chiến lược với Moca. Thu nhập ròng của các đối tác kinh doanh GrabFood tăng đến khoảng 300% chỉ sau 2-3 tháng tham gia nền tảng.
Khoản đầu tư 500 triệu USD sẽ được sử dụng để triển khai các dịch vụ mới tại Việt Nam và mở rộng mạng lưới các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận thức ăn và thanh toán điện tử, đồng thời phát triển các giải pháp mới về công nghệ di động, công nghệ tài chính và logistics. Khoản đầu tư này một lần nữa thể hiện cam kết lâu dài của Grab trong việc mang đến những lợi ích kinh tế và xã hội lớn hơn cho Việt Nam thông qua ứng dụng công nghệ.
Tiếp tục khẳng định cam kết lâu dài của Grab tại Việt Nam, Grab cũng công bố lộ trình triển khai sứ mệnh Công nghệ vì cộng đồng (Tech For Good), với các mục tiêu phù hợp với những ưu tiên chính sách của “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020” của Chính phủ. Ba lĩnh vực chính sẽ được chú trọng bao gồm:
Thứ nhất, góp phần giảm nghèo cho các cộng đồng dân cư: Grab đặt mục tiêu mở rộng các lợi ích to lớn của nền kinh tế số tới khắp 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc và giúp hàng triệu người Việt Nam có thêm thu nhập khi các đối tác tài xế, đối tác giao nhận và đối tác kinh doanh có thể trở thành những doanh nghiệp siêu nhỏ hợp tác trên nền tảng Grab. Grab cũng đặt mục tiêu hợp tác với các tổ chức tài chính để cung cấp dịch vụ tài chính cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giúp họ tiếp cận với các sản phẩm tín dụng và bảo hiểm để phát triển và đảm bảo sinh kế của mình. Các hoạt động này sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người hiện đang không có việc làm, nghèo và cận nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, đồng thời tạo cơ hội cho họ có được mức thu nhập cao hơn và đạt được doanh thu cao hơn. Grab kỳ vọng các hoạt động này sẽ đóng góp tích cực vào mục tiêu quốc gia về việc giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống thấp dưới mức 4%.
Thứ hai, góp phần xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng: Chính phủ Việt Nam đã đưa ra mục tiêu tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng để đầu tư đổi mới công nghệ cho đến năm 2020, bao gồm mục tiêu có 1 triệu nhân lực thành thạo công nghệ số vào năm 2020 . Với mong muốn đóng góp vào mục tiêu này, Grab sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ kỹ sư tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Việt Nam, đồng thời đầu tư vào các tài năng công nghệ Việt Nam để giải quyết những thách thức lớn nhất ở Đông Nam Á thông qua trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), máy học (machine learning) và hơn thế nữa. Grab cũng sẽ khuyến khích tinh thần khởi nghiệp công nghệ và hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam thông qua chương trình Grab Ventures. Điều này cũng phù hợp với Chiến lược tạo ra 10 kỳ lân công nghệ vào năm 2030 của Chính phủ. Ngoài ra, Grab cũng sẽ góp phần nâng cao hiểu biết cho người dân về tài chính và kỹ thuật số, qua đó đóng góp một phần vào mục tiêu quốc gia là có được 65-70% dân số hiểu biết về hai lĩnh vực này.
Thứ ba, góp phần tạo ra một môi trường bền vững cho tương lai: Grab cam kết hướng tới một tương lai di chuyển chia sẻ, liền mạch và thông minh cho Việt Nam, bao gồm các giải pháp bổ trợ cho hệ thống giao thông công cộng hiện có và thay đổi thói quen người dân từ sở hữu phương tiện cá nhân sang sử dụng phương thức di chuyển chung như GrabBus, một dịch vụ di chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của đông đảo người dân. Grab cũng đặt mục tiêu hợp tác với chính quyền thành phố và các cơ quan hoạch định chính sách để tận dụng dữ liệu, từ đó giúp quy hoạch đô thị tốt hơn và giảm thiểu các khó khăn như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Grab cũng sẽ đặt tính bền vững vào trung tâm hoạt động kinh doanh của mình, ví dụ như hướng đến mục tiêu giảm chất thải nhựa cho dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood.
Ông Russell Cohen, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của Grab, cho biết: “Khoản đầu tư này thể hiện cam kết chặt chẽ và sâu rộng của Grab cho thị trường Việt Nam. Nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng cùng với số lượng người trẻ quen dùng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng là những điều kiện chín muồi giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật số. Khi Grab ngày càng mở rộng các dịch vụ giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa và thanh toán điện tử trên khắp cả nước, chúng tôi đồng thời mong muốn có thể nắm bắt và đầu tư vào các cơ hội mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ di động và logistics để mang đến nhiều giá trị to lớn và sáng tạo hơn cho khách hàng và đối tác Grab.”
Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam, cho biết: “Grab là một trong những nhà đầu tư công nghệ lớn nhất tại Việt Nam. Đến cuối năm 2019, tổng số vốn đầu tư của Grab vào Việt Nam sẽ là 200 triệu USD, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là cho người dùng và đối tác tài xế của các dịch vụ kết nối di chuyển, giao nhận hàng hóa, giao nhận thức ăn, và thanh toán không dùng tiền mặt. Khoản đầu tư 500 triệu USD được công bố ngày hôm nay sẽ tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực của chúng tôi nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho không chỉ người dùng trong hệ sinh thái siêu ứng dụng Grab, mà còn cho hàng triệu người dân Việt Nam. Bằng cách triển khai chiến lược kinh doanh phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, chúng tôi cam kết tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội, cũng như đóng góp vào công cuộc thực hiện Cách mạng Công nghiệp 4.0 của Việt Nam".
Grab đồng thời cũng bày tỏ mong muốn được mở rộng hợp tác với các đơn vị thuộc khu vực công và tư nhân cùng chia sẻ tầm nhìn chung Công nghệ vì cộng đồng (Tech For Good), hướng đến cùng nhau tận dụng công nghệ nhằm giải quyết các khó khăn và thách thức trong cuộc sống hằng ngày, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân Việt Nam.
Grab cũng sẽ tìm kiếm cơ hội thiết lập các quan hệ hợp tác công - tư thông qua hợp tác với chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, đồng thời đóng vai trò tích cực trong các chương trình quốc gia như dự án Thành phố Thông minh (Smart City) do chính quyền TP.HCM khởi xướng . Lộ trình thực hiện sứ mệnh Công nghệ vì cộng đồng là một kế hoạch mở của Grab, và có thể được điều chỉnh để phù hợp hơn với các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam khi triển khai các Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội sau năm 2020.