Ngân hàng - Bảo hiểm
Grab tấn công thị trường thanh toán điện tử
Hà Tâm - 02/04/2018 09:15
Chuẩn bị ra mắt ví điện tử GrabPay tại Việt Nam, nhiều khả năng Grab đang tính tới việc thâu tóm một fintech trong nước để đẩy nhanh mức độ bành trướng trong lĩnh vực mới.

Đấu trường mới của Grab tại Việt Nam

Sau khi thâu tóm Uber khu vực Đông Nam Á, yên tâm độc quyền ở mảng taxi công nghệ, Grab sắp tấn công thị trường thanh toán điện tử của Việt Nam với ứng dụng GrapPay. Trước mắt, GrabPay chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán vận tải cho khách hàng gọi xe, song tới đây, Grab sẽ triển khai mạnh mẽ dịch vụ tài chính tại Việt Nam, đáp ứng được mọi nhu cầu tài chính của khách hàng, từ vay tiêu dùng, vay mua nhà, mua xe, mua bảo hiểm đến gửi tiền ra nước ngoài…

Tới đây, không chỉ cung cấp dịch vụ thanh toán vận tải cho khách hàng gọi xe, Grab sẽ triển khai mạnh mẽ dịch vụ tài chính tại Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ tạo ra một sàn giao dịch đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Chỉ trong vòng 10 năm tới, khách hàng chỉ cần sử dụng Grab sẽ được đáp ứng mọi nhu cầu, từ đi lại, ăn uống đến mua sắm, tiêu dùng…”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Grab khẳng định.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Grab đang tiến hành các thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước để đưa GrabPay thành một ví điện tử và sẽ ra mắt thị trường ngay trong năm 2018. Tuy nhiên, nếu Grab muốn tham gia cả lĩnh vực cho vay tiêu dùng như ông Tuấn Anh chia sẻ, phạm vi hoạt động của công ty tại Việt Nam sẽ rất rộng và có thể sẽ thực hiện qua các thương vụ M&A.

Năm 2017, Grab đã triển khai ví điện tử GrabPay tại Singapore, đồng thời thâu tóm một doanh nghiệp khởi nghiệp có tên là Kudo của Indonesia và hợp nhất với GrabPay để phát triển lĩnh vực thanh toán điện tử tại thị trường này.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng xác nhận, Grab đang tìm kiếm đối tác chiến lược tại Việt Nam. Tuy chưa tiết lộ đối tác nằm trong lĩnh vực nào, song nhiều khả năng, Grab sẽ mua lại một fintech trong nước về lĩnh vực thanh toán để nhanh chóng bành trướng hệ thống thanh toán của mình.

GrabPay có “cửa” thành công?

Sau khi đặt chân vào Đông Nam Á, Grab nhận ra rằng, thanh toán mới là miếng bánh béo bở, bởi doanh số ở thị trường này lên tới 500 tỷ USD trong khi thị trường vận chuyển mà Grab đang hoạt động chỉ có tổng doanh thu khoảng 25 tỷ USD. Với tham vọng chia phần lĩnh vực thanh toán, mục tiêu của Grab là “phủ sóng” GrabPay khắp khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hiện thị trường thanh toán trực tuyến Việt Nam rất sôi động với sự cải tiến của hàng loạt ngân hàng, sự xuất hiện của hơn 20 ví điện tử, chưa kể các fintech mới vẫn đang tiếp tục ra đời. Tuy nhiên, việc chưa có một đại gia nào thống lĩnh khiến cơ hội đang chia đều cho tất cả.

Thuận lợi của Grab hơn các đối thủ ngoại khác khi mới nhảy vào Việt Nam là đã có trong tay dữ liệu của cả triệu khách hàng đặt xe. Tính năng thanh toán GrabPay cũng đã được nhiều khách hàng biết đến. Nếu được cấp phép chính thức, khách hàng chỉ cần cập nhật ứng dụng có sẵn trên điện thoại là có thể dễ dàng sử dụng ví điện tử GrabPay.  

Một trong những khó khăn của Grab khi vào Việt Nam là phải thay đổi được thói quen sử dụng tiền mặt của người Việt. Tuy nhiên, đại diện Grab tỏ ra lạc quan về điều này. “Khó nhất khi làm kinh doanh là thay đổi thói quen người tiêu dùng. Trong quá khứ, chúng tôi đã thay đổi được thói quen ra đường vẫy xe của khách hàng, chuyển thành ngồi nhà đặt xe qua ứng dụng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Vì vậy, chúng tôi tin chắc GrabPay sẽ thành công”, Chủ tịch Grab Việt Nam nói.

Khó khăn lớn nhất của tân binh này khi gia nhập thị trường thanh toán Việt Nam, cũng như các đối thủ khác, đó là tạo dựng hệ sinh thái. Để thực sự thuyết phục được người dùng từ bỏ các ví hiện tại, GrabPay phải kết nối được mạng lưới cơ sở bán lẻ, dịch vụ khổng lồ và đặc biệt phải chịu chi để tung ra số tiền khuyến mãi khủng.

Nếu gia nhập thị trường tài chính Việt Nam bằng chiêu bài M&A cùng việc đậm tay chi khuyến mãi, nước cờ của GrabPay có vẻ giống chiêu bài của Alipay, TenPay. Trong cuộc chơi này, ông lớn nào chịu chi hơn và có chiến lược bài bản hơn sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần.

Sự ồ ạt nhập cuộc của các đại gia công nghệ nước ngoài khiến thị trường thanh toán trực tuyến của Việt Nam ngày càng sôi động và khốc liệt.

Tin liên quan
Tin khác