Đơn kiến nghị của các doanh nghiệp thép không gỉ gửi Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ngày 8/8. |
Doanh nghiệp nói chưa nhận được trả lời
Trong đơn kiến nghị được các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép không gỉ gửi Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ngày 8/8, các doanh nghiệp viết: “Sau cuộc đối thoại với doanh nghiệp (tổ chức ngày 13/7-BTV), Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản số 2528/BKHCN-TĐC ngày 1/8/2023 báo cáo kết quả cuộc họp với Phó thủ tướng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, văn bản này chưa phản ánh đúng đắn toàn bộ các vấn đề được đặt ra trong cuộc làm việc”.
Đây là lý do các doanh nghiệp buộc phải gửi kiến nghị tới Phó thủ tướng, nêu lại các vấn đề và câu hỏi đã nêu ra tại cuộc đối thoại, mà Bộ Khoa học và Công nghệ chưa phản ánh.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tiến Đạt chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Cụ thể, 5 nhóm câu hỏi được các doanh nghiệp nêu ra.
Một là, vì sao Bộ Khoa học và Công nghệ không thông báo cũng như lấy ý kiến các doanh nghiệp khi soạn thảo Thông tư 15/2019/TT-BKHCN ban hành QCVN20:2019/BKHCN, trong khi các doanh nghiệp này là đối tượng chịu tác động mạch mẽ nhất của văn bản.
Hai là, vì sao Bộ Khoa học và Công nghệ lại đưa thép không gỉ vào diện hàng hóa nhóm 2 phải quản lý, trong khi mặt hàng này không tiềm ẩn khả năng gây hại cho con người, tài sản và môi trường...
Ba là, vì sao Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng QC20:2019/BKHCN giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong khi Quy chuẩn này đang cấm người tiêu dùng mua sản phẩm thép bình dân, giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của họ, mà phải mua hàng đắt hơn?
Bốn là, vì sao Bộ Khoa học và Công nghệ lại cấm sản phẩm của chúng tôi lưu thoongn trong khi sản phẩm của chúng tôi vẫn được nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á nhập khẩu bình thường.
Năm là, vì sao Bộ Khoa học và Công nghệ cấm nhập khẩu thép không gỉ làm nguyên liệu sản xuất, nhưng lại cho phép nhập khẩu đồ gia dụng và hàng hóa làm từ thép không gỉ này.
“Như vậy, có phải là bảo hộ hàng hóa nhập khẩu so với hàng hóa của chúng tôi sản xuất trong nước”, các doanh nghiệp đặt câu hỏi với Phó thủ tướng.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, đây là các câu hỏi đã được đặt ra tại cuộc đối thoại với Bộ Khoa học và Công nghệ, đã được Bộ hứa trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, đến ngày 8/8, các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.
Trong kiến nghị gửi Phó thủ tướng, các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi QC20:2019 về thép không gỉ để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo gì
Trong Công văn 2528/BKHCN-TĐC mà các doanh nghiệp nhắc đến, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã nhắc đến cuộc làm việc ngày 13/7 với các bộ, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan về thép không gỉ và 2 ý kiến của 33 doanh nghiệp. Đây là các doanh nghiệp đã gửi thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở cho cuộc làm việc trên. Đây cũng là các doanh nghiệp gửi kiến nghị gửi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang.
Các doanh nghiệp kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi QC20:2019 về thép không gỉ, để doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại. |
Nhóm ý kiến thứ nhất được Bộ Khoa học và Công nghệ nhắc đến là QCVN 20:2019/BKHCN chỉ kiểm soát nguyên liệu đầu vào của thép không gỉ mà không kiểm soát chất lượng đầu ra, do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường vì không thể cạnh tranh được với sản phẩm làm từ thép không gỉ nhập khẩu từ nước ngoài. Ý kiến thứ hai là đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá việc áp dụng QCVN 20:2019/BKHCN ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong nước thế nào.
Cũng trong Công văn này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã điểm ý kiến của đại diện Công ty Posco VST (công ty sản xuất thép không gỉ trong nước) rằng, việc áp dụng Quy chuẩn 20 để kiểm soát chất lượng đầu vào thép không gỉ là cần thiết.
Cùng với đó, các ý kiến của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), Hiệp hội Thép Việt Nam, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng được tổng hợp, báo cáo Phó thủ tướng.
Trong công văn gửi Phó thủ tướng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất Phó thủ tướng giao Bộ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, hiệp hội liên quan nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm để phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ…
Bộ cũng nhận nhiệm vụ chủ trì, phối hợp các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan, chủ động tham gia vào Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế (ISO) sửa đổi tiêu chuẩn ISO 15510 về thép không gỉ.
“Trên cơ sở tiêu chuẩn ISO 15510 mới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, hoàn thiện TCVN 10356:2017 về thép không gỉ của Việt Nam”, Bộ báo cáo.
Bộ cũng đề nghị Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ quản lý ngành, lĩnh vực căn cứ chức năng, thẩm quyền được Chính phủ phân công, nghiên cứu, xây dựng các TCVN, QCVN đối với sản phẩm cụ thể làm từ thép không gỉ để tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát chất lượng sản phẩm, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, ngăn chặn gian lận thương mại, xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật về an toàn, chất lượng theo quy định pháp luật hiện hành.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong cuộc làm việc ngày 13/7 với Bộ Khoa học và Công nghệ, ông đã đề nghị làm rõ tính hợp phát của việc đưa thép không gỉ vào danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 của Bộ Khoa học và Công nghệ và tính hợp pháp của việc ban hành QCVN 20:2019 về thép không gỉ.
"Nếu trong trường hợp không thuyết minh rõ, đề nghĩ bãi bỏ QCVN 20:2019, bãi bỏ thép không gỉ trong danh mục, hàng hóa nhóm 2", ông Đức kiến nghị.