Lãi suất kỳ hạn ngắn chạm 7%/năm
SCB tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng online kể từ ngày 27/9 ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên là 7,05%/năm, 9 tháng lên 7,2%, 12 tháng lên 7,35%, 24 tháng lên 7,6%. Ngoài ra, đối với chứng chỉ 24 tháng, lãi suất tăng từ 7,6%/năm lên 7,75%.
Tương tự, Nam A Bank cũng tăng lãi suất huy động từ 0,2 - 1%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,7 - 4,9%/năm, 6 tháng 6,7%, 12 tháng lên 7,3%…
Trong khi đó, Ngân hàng Bản Việt áp dụng lãi suất lên 7,1%/năm ở kỳ hạn 6 tháng, 7,5% kỳ hạn 12 tháng. Kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm lên mức kịch trần 5%/năm.
Các ngân hàng khác có lãi suất huy động tiết kiệm online như SHB ở các kỳ hạn 6 tháng ở mức 6,2%/năm, 12 tháng 6,9%/năm. Kienlongbank cũng huy động kỳ hạn 6 tháng 6,4%/năm, 12 tháng 6,8% và mức lãi suất cao nhất là 7,1% ở kỳ hạn 24 tháng…
Còn tại VPBank, lãi suất tiết kiệm online 6 tháng từ 6 - 6,8%/năm, 12 tháng từ 6,4 - 7,2%… Riêng đối với tiết kiệm Prime Savings, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất tháng đầu tiên là 6,95%/năm, tháng sau là 5,8%; 12 tháng có lãi suất tháng đầu tiên 7,44%/năm, tháng tiếp theo 6,2%; kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tháng đầu tiên 7,8%/năm, tháng tiếp theo 6,5%.
Không chỉ với ngân hàng tư nhận mà nhà băng có vốn nhà nước cũng không thể đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm để giữ thị phần tiền gửi. Ngày 27/9, Vietcombank, VietinBank, Agribank đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động thêm hơn 1%/năm.
Theo đó, Vietcombank đã cập nhật biểu lãi suất huy động mới và tăng mạnh 0,8-1,3%/năm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank tăng 1% lên 4,1-4,4%/năm, vẫn còn thấp hơn với với trần quy định (5%/năm).
Đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng 0,8%/năm lên 6,4%/năm. Từ kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tăng 1% lên 6,4%/năm. Còn với hình thức gửi online, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4,9%/năm, cao hơn 1,2-1,3% so với biểu lãi suất cũ.
Kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng hình thức gửi online có mức lãi suất cao nhất là 6,8%/năm, tăng 1% so với trước đó.
Tương tự, VietinBank cũng vừa cập nhật biểu lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng – dưới 3 tháng của nhà băng này đã tăng thêm 1% lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 tháng – dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ từ 12 tháng trở lên, ngân hàng này áp dụng mức lãi suất mới 6,4%/năm, cao hơn 0,8%/năm so với trước.
Agribank cũng có bước điều chỉnh tương tự, lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất là 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 6,4%/năm. Ngoài ra, đáng chú ý, Agribank tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 0,3%/năm trong khi đa số các ngân hàng khác niêm yết 0,1%/năm...
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước về tiền gửi của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6/2022, số dư tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,61 triệu tỷ đồng, tăng 6,02% so với cuối năm 2021.
Đáng chú ý, tốc độ tăng của tiền gửi dân cư gần gấp đôi so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế (tăng 3,61% so với cuối năm 2021, đạt 5,84 triệu tỷ đồng).
So với tháng 5, lượng tiền gửi của cư dân vào hệ thống NH tăng thêm hơn 50.400 tỷ đồng. Tổng cộng trong 6 tháng đầu năm 2022, dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư chảy vào hệ thống NH thêm hơn 318.000 tỷ đồng.
Dự báo lãi suất tiết kiệm còn tăng
Trước đó, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành từ 23/9, hàng loạt ngân hàng tư nhân cũng tăng lãi suất huy động từ ngày 23, 24/9. Trong khi đó, các ngân hàng Big 4 đã giữ nguyên biểu lãi suất cho đến ngày 27/9 mới có động thái điều chỉnh.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, mặt bằng lãi suất chịu áp lực tăng trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động.
Có thể thấy giai đoạn này, thanh khoản thị trường liên ngân hàng không còn dồi dào so với giai đoạn trước. Lãi suất huy động đã tăng 0,9 - 1,1% phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh.
Trên thị trường thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương khác sẽ tiếp tục quyết liệt tăng lãi suất nhằm tránh khỏi vòng xoáy tiền lương - giá cả.
Do đó, VCBS dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng 1,5 - 2%, lãi suất liên ngân hàng nhìn chung sẽ cao hơn đáng kể các năm trước và khó có khả năng thấp hơn ngưỡng 4%.
Báo cáo triển vọng nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra cũng đánh giá rằng, nếu bám sát vào kịch bản Fed tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023, lãi suất điều hành có thể tăng thêm từ 0,5-1 điểm % trong năm sau, về lại mức trước đại dịch.
Quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trước hết sẽ đẩy trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân và thực tế nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước sẽ dần nâng lãi suất từ cuối tháng 9 cũng như đầu tháng 10.
Việc mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế tăng lên đã diễn ra từ trước, quyết định nâng lãi suất điều hành là một hành động theo sau, hàm ý rằng không thể đối phó với áp lực bên ngoài nếu không tăng lãi suất điều hành.
Nhưng tác động lan truyền đến lãi suất cho vay, theo VDSC, đã diễn ra từ trước đó, chỉ có điều sắp tới lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh hơn giai đoạn vừa rồi.
Mức kỳ vọng của công ty chứng khoán này đối với mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế của các doanh nghiệp là mức trước đại dịch xảy ra, trên cơ sở kết hợp với yếu tố nhu cầu vốn tín dụng đang cao trong khi cung bị siết bởi hạn mức cho vay.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã trở về bằng thời điểm đại dịch mới diễn ra là tháng 3/2020. Các chuyên gia phân tích VDSC cho rằng, mức lãi suất như vậy khá an toàn với diễn biến lạm phát tại Việt Nam, hiện lạm phát bình quân kỳ vọng cho cả năm 2022 và 2023 lần lượt là 4 và 4,5%.
Mức lãi suất điều hành hiện tại cũng để phòng thủ cho khả năng Fed nâng lãi suất lên 4,5-4,75% trong năm 2022. Nhưng tiền đồng có thể mất giá 4-5% trong năm nay.
Lo ngại về kịch bản xấu hơn đối với đà mất giá của tiền đồng đang xảy ra với việc chỉ số USD tiếp tục tăng cao. Hiện chỉ số USD - Index đang được giao dịch ở mức 113,3, cao hơn 4,2% so với cuối tháng 8.
Trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước khác trên thế giới không kiên quyết đối phó với vấn đề lạm phát tăng cao như Fed, các chuyên gia cho rằng USD sẽ có thể trở lại mức đỉnh cũ đã thiết lập vào đầu năm 2022 ở mức 120,3.
Điều này đồng nghĩa với sức ép lên tỷ giá trong nước là không thể tránh khỏi khi các bộ đệm để giúp ổn định tỷ giá đã suy yếu.