Trải qua nhiều tuế nguyệt, năm 2022 tròn 200 năm Thành cổ Sơn Tây được xây dựng. Đánh dấu sự kiện này, Thị ủy, UBND thị xã Sơn Tây đã và đang triển khai chuỗi hoạt động nhằm tôn vinh, khẳng định, giới thiệu, quảng bá những giá trị nổi bật về kiến trúc và nghệ thuật của di tích lịch sử của Thành cổ Sơn Tây (1822 - 2022).
Dự kiến, Lễ kỷ niệm 200 năm xây dựng di tích Thành cổ Sơn Tây sẽ có sự tham gia của nhiều đại biểu, khách mời và các ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi. (Ảnh: Hồ Hạ) |
Trong đó, dự kiến Lễ kỷ niệm 200 năm xây dựng Thành cổ Sơn Tây sẽ được tổ chức lúc 19 giờ, ngày 12/11/2022.
Đây được kỳ vọng là sự kiện văn hóa chính trị lớn của thị xã tạo tiền đề để xúc tiến đầu tư kinh tế - du lịch, thu hút các nhà đầu tư về với Sơn Tây.
Lễ kỷ niệm 200 năm xây dựng di tích Thành cổ Sơn Tây sẽ có sự tham gia của nhiều đại biểu, khách mời và các ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi.
Trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm, thị xã Sơn Tây sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch như: Tổ chức trưng bày tranh ảnh, hiện vật giới thiệu về di tích Thành cổ Sơn Tây; Trưng bày sinh vật cảnh, cổ vật trong thành cổ, thư pháp, diễn xướng hát văn…
Bên cạnh đó, thị xã Sơn Tây dự kiến phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư ThươngMại Du lịch Thành phố Hà Nội tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch trên địa bàn thị xã;
Tổ chức cho học sinh học tập và tham quan tại di tích Thành cổ Sơn Tây nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ;
Tổ chức chương trình mời các nhạc sĩ viết về Thành cổ, thị xã Sơn Tây; Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại khu vực không gian tuyến phố đi bộ;
Phối hợp đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế tại trung tâm thị xã.
Lễ kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây nhằm thể hiện nhận thức, trách nhiệm sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; Tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích Thành cổ và những tiềm năng của thị xã Sơn Tây với bạn bè trong nước và quốc tế;
Đồng thời, thu hút du khách thập phương về với vùng đất "địa linh nhân kiệt", góp phần đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của thị xã.
Được biết, Thành cổ Sơn Tây có diện tích 16 ha, xung quanh có hào nước bao bọc, tường thành được kết cấu theo lối kiến trúc Vauban (có chỗ lồi ra để đặt các pháo đài).
Thành có 4 cổng quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông có tên là: Cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả.
Trước đây, bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành.
Thành cổ Sơn Tây còn được ví như công viên giải trí, lá phổi xanh nằm giữa lòng đô thị với thảm thực vật phong phú và là nơi rèn luyện sức khỏe, dạo chơi của người dân trong vùng.
Với những giá trị văn hóa lịch sử, Thành cổ Sơn Tây được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1994.