Sở Y tế Hà Nội cho biết, toàn Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 4.350 bếp ăn tập thể trường học. Trong đó,có 3.911 trường tự tổ chức nấu ăn, còn lại ký hợp đồng với các nhà thầu cung cấp dịch vụ ăn uống.
Khu vực chế biến của bếp ăn tập thể trường Tiểu học Thanh Xuân Trung. (Ảnh: Hồng Minh) |
Từ đầu năm 2022 đến nay, Thành phố Hà Nội đã tổ chức 900 đoàn thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm của 4.493 bếp ăn tập thể trường học và khu công nghiệp. Qua đó, các đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 10 cơ sở với số tiền 132 triệu đồng.
Với số lượng bếp ăn tập thể khá lớn trên địa bàn Thủ đô, để công tác quản lý đạt hiệu quả, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã cần tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học theo phân cấp.
Qua kiểm tra, giám sát tại các nhà trường, cơ quan chức năng ở địa phương nếu phát hiện các vi phạm, không chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, có thể yêu cầu nhà cung cấp dừng ngay việc cung ứng thực phẩm, suất ăn đối với bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học đó.
Còn với nhà trường và ban giám hiệu nhà trường phải bảo đảm những thực phẩm được đưa vào bếp ăn trường học đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đơn vị cung cấp phải chấp hành đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Theo ông Đặng Thanh Phong, thực phẩm an toàn đóng vai trò to lớn đối với việc cải thiện sức khỏe con người cũng như đối với sự phát triển giống nòi. Từ thực tế kiểm tra tại bếp ăn tập thể của các quận, huyện trên địa bàn thành phố thời gian qua cho thấy, công tác quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn của các đơn vị đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục tập trung vào việc rà soát quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người…, nhất là truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm.