Doanh nghiệp
Hà Nội đã có 243 trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Minh Thắng - 04/12/2022 10:28
Thành phố Hà Nội hiện có 243 trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị hàng hoá của các trang trại bước đầu được hình thành và phát triển.

Trong số những trang trại đã liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô phải kể tới trang trại chăn nuôi trâu bò của lão nông Trần Văn Khánh (Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội). 

Hiện trang trại này đang nuôi khoảng 300 con bò. Vốn đầu tư khoảng 11 – 14 tỷ đồng. Nếu chăn nuôi thuận lợi, mỗi năm sẽ được lãi thuần 2-2,5 tỷ đồng, tương ứng bình quân nuôi 1 con trâu, bò cho lãi từ 0,8-1,3 triệu đồng/tháng. 

Trong khi đó, Trang trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Hanh, xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) quy mô 1ha, tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng, doanh thu đạt 19 tỷ đồng/năm, sản phẩm chủ yếu là lợn giống, lợn thương phẩm.

Tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội, mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Lâm có quy mô 1,3ha, tổng vốn đầu tư 11 tỷ đồng, doanh thu đạt 20 tỷ đồng/năm, sản phẩm chủ yếu là lợn, gà đẻ trứng, cá, bưởi.

Trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Nguyễn Đình Viện ở xã Thư Phú (huyện Thường Tín) quy mô 11 ha, tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, doanh thu đạt 7,5 tỷ đồng/năm, sản phẩm chủ yếu là cá, nhãn...

Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn Thủ đô và liên kết, hợp tác với các tỉnh vừa giúp thành phố đáp ứng nguồn cung lương thực, thực phẩm cho hơn 10 triệu dân vừa khẳng định vai trò đầu tàu trong mở rộng, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ một cách bền vững.

Kinh tế trang trại là thành tố quan trọng trong phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn Hà Nội. Việc phát triển kinh tế trang trại đã khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, nguồn vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay toàn thành phố có 47 mô hình chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thu hút gần 3.000 hộ và hơn 1.000 cơ sở bán hàng, doanh nghiệp tham gia. 

Với 47 chuỗi sản phẩm động vật, trung bình mỗi ngày, các chuỗi liên kết cung cấp cho thị trường Hà Nội hơn 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi.

Tại các chuỗi, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm cơ bản được thực hiện theo chu trình khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Các mô hình chuỗi đã giúp nông dân phát triển sản xuất bền vững, hình thành những sản phẩm chăn nuôi có thương hiệu. 

Bước đầu, các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ ổn định.

Hiện, thành phố đã xây dựng nhiều nhãn hiệu tập thể như: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa), trứng vịt Liên Châu (huyện Thanh Oai)... 

Hà Nội cũng đã có kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tin liên quan
Tin khác