Tiêu dùng
Hà Nội: Đảm bảo nguồn cung thịt lợn dịp Tết Nguyên đán
Phương Linh - 29/01/2022 12:18
Cận Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lợn tại Hà Nội đẩy mạnh sản xuất để kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường tăng cao đột biến.
Một trang trại nuôi lợn tại TX. Sơn Tây, Hà Nội. (Ảnh: Phương Linh)

Trang trại chăn nuôi lợn do anh Nguyễn Huy Phương (TX. Sơn Tây, Hà Nội) quản lý hiện được kiểm soát nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch bệnh, góp phần đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường Tết Nhâm Dần 2022.

Các số liệu của đàn lợn được anh Phương ghi chép cẩn thận. (Ảnh: Phương Linh)

Để “thâm nhập” vào khu chuồng nuôi, ngoài mặc bộ quần áo bảo hộ, phóng viên phải qua khâu vô trùng.

Theo quan sát, khu chuồng trại được xây dựng khá bài bản, các ô chuồng nuôi được sắp xếp, bố trí phù hợp với từng độ tuổi của lợn, trước cửa chuồng nuôi và đầu mỗi dãy chuồng đều bố trí hố khử trùng, mỗi khu vực nuôi sử dụng quần áo, ủng, bảo hộ lao động riêng, hệ thống đèn điện và quạt điều hòa không khí hoạt động 24/24h.

Chuồng nuôi được duy trì ánh sáng, không khí thông thoáng cùng nhiệt độ ổn định suốt 4 mùa. (Ảnh: Phương Linh)

Anh Phương cho biết: "Mặc dù bệnh dịch tả lợn châu Phi không còn nhiều, nhưng nguy cơ bùng phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, trang trại luôn đề cao tinh thần kiểm soát dịch bệnh, tất cả các dụng cụ từ máng ăn, nước uống và dụng cụ, đồ vật khác khi đưa vào chuồng nuôi, kể cả mua mới cũng được làm sạch và khử trùng, hạn chế tối đa việc xâm nhập và phát tán mầm bệnh vào chuồng nuôi lợn”.

Những ngày lạnh sẽ trang bị bóng sưởi để đảm bảo nhiệt độ cho đàn lợn con. (Ảnh: Phương Linh)

Được biết, thức ăn cho lợn là sản phẩm của các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, bảo quản trong kho đựng riêng, kê cao trên kệ và có biện pháp chống ẩm mốc, chống chuột, ghi chép đầy đủ các thông tin liên quan đến việc khử trùng vào sổ để theo dõi, kiểm tra như ngày tháng khử trùng, khu vực khử trùng, hóa chất sát trùng, người thực hiện.

Lợn nái và lợn hơi được phân chia theo khu khác nhau. (Ảnh: Phương Linh)

Đồng thời, trang trại có lắp đặt hệ thống camera giám sát đàn lợn từ xa nhằm đảm bảo số lượng cũng như chất lượng đàn lợn xuất chuồng. Hiện, trang trại đang nuôi hơn 500 con lợn thịt, bình quân mỗi tháng xuất bán 100 con, tương ứng 15 tấn. Với quy mô nuôi hơn 500 lợn thịt, 200 lợn nái, mỗi tháng, trang trại của anh Phương cung ứng ra thị trường hơn 20 tấn lợn hơi.

Lợn con được chăm sóc cẩn thận hơn, đảm bảo sức khỏe tới khi xuất chuồng. (Ảnh: Phương Linh)

Theo thống kê, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên nhiều hộ chăn nuôi, nhất là các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lớn tại Hà Nội đã tập trung tái đàn, mở rộng đầu tư phát triển chăn nuôi.

Tính đến hết năm 2021, tổng đàn lợn (không tính lợn sữa) trên địa bàn rơi vào 56.700 tấn, hiện tổng đàn lợn của thành phố đạt 1,4 triệu con.

Tại một số chợ giá thịt lợn những ngày gần đây liên tục thay đổi, có xu hướng hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Giá lợn hơi xuất chuồng dao động từ 58- 60 nghìn đồng/kg; thịt lợn vai, ba chỉ bình quân từ 120 - 145 nghìn đồng/kg.

Giá thịt lợn cao, kéo theo các thực phẩm chế biến từ thịt lợn cũng “leo thang” so với thời điểm trước khi ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi.

Tất cả đàn lợn sẽ được kiểm tra chặt chẽ trước khi xuất chuồng.(Ảnh: Phương Linh)

Để phòng, chống dịch bệnh đảm bảo an toàn đàn vật nuôi, góp phần bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ốm, chết, không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của cơ quan thú y. Cùng với đó, triển khai các biện pháp để đảm bảo cân đối cung - cầu mặt hàng thịt lợn.

Tin liên quan
Tin khác