Đầu tư
Hà Nội dành 8.000 ha đất cho công nghiệp công nghệ cao
Nhã Nam - 28/02/2015 09:40
Hà Nội quyết định dành 8.000 ha quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, các khu công nghệ cao, các khu công nghiệp tập trung và quyết tâm trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước trong giai đoạn 2015 -2020.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Doosan Vina xuất chuyến hàng đầu tiên năm Ất Mùi
FECON là nhà thầu xuất sắc nhất tại dự án Samsung Thái Nguyên
Đồng Nai sắp có Khu công nghệ cao chuyên ngành sinh học
TP.HCM tập trung hút vốn FDI vào nông nghiệp công nghệ cao
Giữ nguyên quy mô Khu CNC Hòa Lạc và Đại học quốc gia

Công nghệ thông tin là mũi nhọn

Nhằm phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, trong những năm gần đây, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức ở tất cả các ngành, lĩnh vực, từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

Theo TS. Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, chuyên ngành điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, cơ điện tử được xác định là các ngành công nghiệp chủ lực của Hà Nội. Ngay cả các ngành thủ công, mỹ nghệ bên cạnh sự tinh xảo, độc đáo, mang đặc trưng Hà Nội thì cũng phải gắn liền với khoa học - công nghệ tiên tiến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu công nghệ cao Hà Nội nhân dịp đầu năm mới Ất Mùi 2015

Dự kiến, đến năm 2030, công nghiệp Hà Nội sẽ tập trung đa số là các doanh nghiệp khoa học - công nghệ và các trung tâm nghiên cứu, thiết kế chế tạo.

Hiện Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ và áp dụng chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao gắn với khoa học - công nghệ, các trung tâm nghiên cứu thiết kế, chế tạo, thử nghiệm sản phẩm mới, tạo ra sản phẩm chất lượng, giá trị cao, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn tiên tiến...

Bên cạnh đó, Hà Nội đang đẩy nhanh và mạnh công tác giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bởi đây chính là cái nôi quan trọng cho sự phát triển khoa học - công nghệ tiên tiến, giúp Thủ đô thực sự trở thành trung tâm công nghệ của cả nước.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, UBND TP Hà Nội đặt quyết tâm đến tháng 3/2015, công tác giải phòng mặt bằng tại khu vực này sẽ hoàn thành và bàn giao lại cho đối tác Nhật Bản.

Phát biểu trong chuyến thăm Công ty Phần mềm và Đại học FPT nhân dịp đầu xuân 2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng nhấn mạnh: “Khu công nghệ cao Hoà Lạc phải trở thành thành phố khoa học vệ tinh của Hà Nội”.

Thành phố đó bao gồm tất cả khu tiện ích xã hội, nhà ở, chung cư, bệnh viện, trường học, nhà hàng, trung tâm, khu thể thao, nhiều viện nghiên cứu và các khu công nghệ phần mềm hoạt động.

Khu CNC Hòa Lạc hiện có 69 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký khoảng 57.000 tỷ đồng trên diện tích khoảng 345 ha. Thời điểm này có 28 dự án được triển khai hoạt động trên diện tích khoảng 100 ha, 9 dự án khác đang thi công xây dựng trên diện tích khoảng 28 ha.

Trong số này, có Làng phần mềm F-Ville của Công ty Phần mềm FPT Software (dự án có quy mô lớn nhất trong tổng số 7 dự án được cấp phép trong phân khu Phần mềm thuộc Khu Công nghệ Cao Hòa Lạc).

Không chỉ thuần túy là một văn phòng làm việc với các trang thiết bị hiện đại, F-Ville còn có các khu thể thao đa năng trong nhà, ngoài trời; khu giải trí (phòng chiếu phim; khu vực thư giãn..) nhằm hỗ trợ thiết thực cho nhân viên trong việc đi lại, sinh hoạt hằng ngày, ổn định cuộc sống để có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình trong công việc.

Tăng cường ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp

Không chỉ có công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp ở Thủ đô cũng được chuyển hướng theo xu hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp truyền thống và gia tăng tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với hệ thống giống mới, nhà lưới chuyên dụng, thông gió, phun tưới nước tự động, nhiệt độ được điều khiển, cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/ha.

Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2015 - 2020 đang được xây dựng và sẽ triển khai trên tất cả các lĩnh vực, như trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nhằm đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm từ 40% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; xây dựng 10 doanh nghiệp, 300 trang trại nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện Hà Nội cũng đang là địa phương thu hút được sự quan tâm của các tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước như Fujitsu, FPT... trong việc cung cấp và triển khai các giải pháp công nghệ và thiết bị đi kèm vào nông nghiệp.

Điều này hứa hẹn sẽ mang lại sự phát triển vượt bậc cho ngành nông nghiệp thông minh cho Thủ đô.

Đẩy mạnh đầu tư cho nhân lực chất lượng cao

Nhằm hỗ trợ tái cơ cấu và phát triển theo chiều sâu, lãnh đạo TP. Hà Nội đang thúc đẩy xây dựng, triển khai đề án phát triển thị trường vốn, xây dựng nơi đây trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và có tầm cỡ khu vực, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 55% vào năm 2015 và 70-75% vào năm 2020.

Tại các khu công nghệ cao, sự xuất hiện của các trường đại học như Đại học FPT, Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội, Đại học Việt - Nhật… hứa hẹn tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có thể tuyển dụng được những kỹ sư, lập trình viên có trình độ cao ngay tại chỗ.

Tuy nhiên, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Công ty Phần mềm FPT, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung cần mở rộng quy mô đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin từ nay đến năm 2020 lên gấp 3 lần.

Trong đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt cần bổ sung thêm giảng dạy tiếng Nhật trong trường đại học công nghệ thông tin. Ngoài ra, lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng bày tỏ mong muốn Nhà nước sớm ban hành chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân tại các khu công nghệ cao nhằm mục đích thu hút nguồn nhân lực đến làm việc tại đây.

Nếu những điều này trở thành hiện thực, sẽ là những tiền đề quan trọng, tạo đà cho Hà Nội nhanh chóng trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Tin liên quan
Tin khác