Tăng kết nối để mở rộng thị trường
Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP. Hà Nội (HPA) cho biết, tại Hội nghị “Giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2018” do Bộ Công thương và UBND TP. Hà Nội phối hợp cùng 53 tỉnh, thành phố tổ chức mới đây, đã có gần 450 biên bản giữa doanh nghiệp Hà Nội và các tỉnh, thành phố được ký kết.
Người dân Thủ đô nay có thể lựa chọn mua thực phẩm từ những địa chỉ an toàn, tin cậy. Ảnh: Đức Thanh |
Theo đó, dự kiến mức tiêu thụ hàng hóa từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp tới là gần 27.500 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017. Hàng hóa dự kiến ký kết cho cả năm 2019 là gần 110.000 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn Thành phố).
Cũng theo HPA, trước đó, Hà Nội đã tham gia hàng loạt sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm quy mô quốc tế như Triển lãm Ambiente 2018 tại Đức; Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tại hệ thống siêu thị Aeon (Nhật Bản); Tuần hàng Nông sản Việt Nam tại Chợ đầu mối nông sản Rungis (Pháp); Tổ chức đoàn xúc tiến và giao dịch thương mại ngành da giày - túi xách tại Italy và Đức; Triển lãm Quốc tế ngành cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ M-TECH 2018 tại Nhật Bản; Tuần hàng và du lịch Việt Nam năm 2018 tại Thái Lan...
Các sự kiện trên đã thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, hàng ngàn hợp đồng giao dịch có trị giá hàng triệu USD được ký kết. Đơn cử, tại Triển lãm Ambiente 2018 đã có 424 khách hàng nhập khẩu mới với tổng giá trị giao dịch trong những ngày diễn ra triển lãm đạt hơn 1 triệu USD, các doanh nghiệp Hà Nội đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu trị giá gần 2,5 triệu USD/năm.
Cũng trong năm 2018, Hà Nội đã có hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước. Các chương trình tiêu biểu là Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ 2018 tại Cần Thơ, Festival Huế 2018, Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2018, Triển lãm Quốc tế da và giày lần thứ 20 tại TP.HCM, Hội chợ Công thương khu vực miền Trung - Tây Nguyên - Nhịp cầu xuyên Á - Quảng Trị 2018, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam (Hà Nội) và Triển lãm Mỗi làng một sản phẩm - OVOP 2018 (Hà Nội).
Điểm nhấn nữa trong hoạt động kết nối giao thương của Hà Nội trong năm 2018 còn phải kể đến việc Thành phố phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) xây dựng và ra mắt chuyên trang "Nông sản an toàn”. Đây là trang tin điện tử đầu tiên của Hà Nội chuyên cung cấp thông tin nông sản an toàn, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn những địa chỉ thực phẩm an toàn, đồng thời, các doanh nghiệp có thêm cơ hội quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng thị trường tiêu dùng bền vững
Tại Hội nghị “Kết nối giao thương, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố”, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Doãn Toản cho biết, những năm qua, Hà Nội đã luôn quan tâm đến hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững thị trường hàng hóa tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo đó, Thành phố đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giao thương với các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Phú Thọ, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp… đã tạo ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế, cũng như định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô.
Cung cấp thêm thông tin, của ông Nguyễn Gia Phương, Giám đốc HPA cho biết, ngoài các hội nghị, sự kiện kết nối, Hà Nội đã thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm nhằm hỗ trợ quảng bá và đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của các địa phương, góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội, đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Ngoài ra, Hà Nội đã hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của nước ngoài, như Aeon (Nhật Bản), Lotte Mart (Hàn Quốc), Centra Group (Thái Lan), Chợ đầu mối Rungis (Pháp)... nhằm tạo cơ hội liên kết hợp tác kinh tế, cũng như định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô và của cả nước.
“Các hoạt động kết nối giao thương giúp doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tiến tới ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của nhân dân Hà Nội và các địa phương, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, cũng như tạo mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng Thủ đô, góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Phương nhấn mạnh.