Khu chung cư cũ nằm ở đường Thái Thịnh, quận Đống Đa. Ảnh: Võ Hải. |
Hà Nội vừa báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn và đề xuất hàng loạt cơ chế để đẩy nhanh công việc này.
Theo đó, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng xem xét, cho phép thành phố được chủ động quyết định việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch về dân số, tầng cao công trình trong khu vực nội đô lịch sử; đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng dự án và khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, xã hội trong khu vực.
Khi thực hiện dự án xây mới chung cư cũ, Hà Nội đề xuất diện tích các căn hộ dành cho tái định cư tại chỗ không nhỏ hơn 30 m2 và căn thương mại từ 45 m2 trở lên (tính theo diện tích thông thuỷ).
Hà Nội cũng đề nghị, để cải tạo xây mới nhà chung cư cũ chỉ cần trên 70% chủ sở hữu đồng ý; với những chủ sở hữu còn lại sẽ có chế tài nếu không đồng ý phá dỡ.
Trong trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được chủ đầu tư, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho phép địa phương được chỉ định doanh nghiệp có đủ năng lực làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa. Việc chỉ định này theo Hà Nội nhằm đẩy nhanh việc cải tạo, xây mới, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp...
Hà Nội hiện có 1.579 nhà chung cư cũ được xây dựng từ 1960 đến 1992. Trong đó có gần 1.000 chung cư thuộc khu vực hạn chế phát triển, quận Ba Đình có 211 nhà, quận Hoàn Kiếm có 99, quận Đống Đa có 415 và quận Hai Bà Trưng có 244.
Qua đánh giá, xếp loại, thành phố đã lên kế hoạch cải tại, xây mới nhiều chung cư cũ nhưng tiến độ rất chậm do nhiều bất cập, vướng mắc. Tính đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây mới đã đưa vào sử dụng, 11 chung cư đang đang được cải tạo.