HĐND TP. Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026.
Theo Dự thảo, các địa bàn của TP. Hà Nội được chia thành 4 vùng để xét thu học phí (trước đây chỉ chia 3 vùng). Năm học 2022- 2023, với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng/tháng; vùng 3 là 100.000 - 200.000 đồng/tháng và vùng 4 là 50.000 - 100.000 đồng/tháng. Như vậy, mức học phí tăng khoảng gấp đôi năm 2021, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng/tháng (năm 2021) lên 300.000 đồng/tháng.
Dự thảo cũng nêu rõ, bậc tiểu học được miễn học phí. Mức thu trên là căn cứ để hỗ trợ cho học sinh tiểu học tư thục hoặc học sinh tư thục thuộc diện hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định.
Với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức trần học phí năm học 2022 - 2023 từ 2,4 - 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng.
HĐND TP.Hà Nội dự kiến mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến bằng 75% mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành. Với cấp mầm non, trong một tháng, nếu trẻ học ít hơn 14 ngày, chỉ nộp một nửa so với quy định; học trên 14 ngày phải nộp đủ học phí cả tháng.
Với bậc phổ thông luân chuyển học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức nào được áp dụng từ 14 ngày trở lên thì trường sẽ thu học phí theo hình thức đó. Các trường cần đảm bảo tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9 tháng.
Dự kiến đến năm học 2025 - 2026, mức thu học phí vùng 1 và vùng 2 từ 380.000 - 650.000 đồng/tháng; mức thu học phí ở vùng 3 và vùng 4 từ 110.000 - 330.000/tháng.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức học phí trong Dự thảo không hợp lý, bởi sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, nhiều gia đình đang gặp khó khăn, chưa ổn định thu nhập.
Qua khảo sát qua một số cán bộ, công nhân đang có con học từ cấp 1 đến cấp 3 tại Hà Nội, họ đều đang rất lo lắng, không biết cân đối thế nào để đóng tiền học cho các con trong bối cảnh giá cả leo thang.
Một số chuyên gia nêu quan điểm, không nên lấy việc tăng học phí là nguồn thu. Bởi với thực trạng giá cả hiện nay, mỗi thứ tăng một chút, sẽ khiến người dân rất khó khăn.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP. Hà Nội cho rằng, vấn đề người dân rất quan tâm hiện nay là chất lượng giáo dục. Tiền học phí bỏ ra phải tương xứng với chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, phụ huynh cần được tham gia giám sát các khoản đóng góp của học sinh được dùng vào việc gì.
Đồng quan điểm, bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP. Hà Nội đề nghị, cần ghi rõ cơ quan quản lý chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục hiện nay và công bố công khai.
Chỉ ra mức thu học phí giữa các xã miền núi chênh lệch với khu vực phường đến hơn 9 lần là chưa thỏa đáng, ông Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tổng hợp (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP. Hà Nội) đề nghị cần xem xét lại và có chính sách miễn giảm cho các đối tượng khó khăn…