Theo báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn TP. Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, tổng kế hoạch đầu tư trung hạn trên địa bàn cập nhật đến tháng 5/2018 là trên 101.846 tỷ đồng. Đến 30/6/2018, đã thực hiện giải ngân gần 37.000 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch.
Hà Nội đã có gần 49km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, đối với 199 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2016, đến nay, đã hoàn thành giải ngân 20.637/38.016 tỷ đồng, đạt 54%, đã hoàn thành và bàn giao 98 công trình. Với 102 dự án khởi công năm 2016, đến nay, đã thực hiện giải ngân 5.906/9.246 tỷ đồng, đạt 64%, hoàn thành bàn giao 64 công trình. Còn đối với 126 dự án khởi công mới giai đoạn 2017-2020, đến nay, đã khởi công 31 công trình, hoàn thành và bàn giao 5 công trình.
Tính chung đến tháng 6/2018, đã có 167/427 công trình đầu tư công trung hạn (cấp Thành phố) được đầu tư và đưa vào sử dụng, góp phần tăng thêm 471 phòng học, 280 giường bệnh, trên 43km đường giao thông, 5 cầu vượt sông và 2 cầu cạn; trên 67km đê được nâng cấp; hoàn thành 26 công trình thủy lợi, đảm bảo nhiệm vụ tưới tiêu cho 25.352ha.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, ngân sách Thành phố đã bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để hỗ trợ thực hiện 420 dự án thuộc nhiệm vụ chi của cấp huyện, với tổng kinh phí 7.028,8/10.405 tỷ đồng, đã giải ngân trên 5.400 tỷ, bằng 52% kế hoạch. Qua đó, hoàn thành, đưa vào sử dụng 284 công trình, góp phần bổ sung 546 phòng học, 66 trường đạt chuẩn quốc gia; 352km đường giao thông nông thôn được xây mới, cải tạo và nâng cấp; gần 49km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa…
Để đẩy nhanh tiến độ các dự án trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn, UBND TP. Hà Nội đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, định kỳ hằng tháng, hằng quý, Thành phố sẽ tổ chức giao ban xây dựng cơ bản để kiểm điểm tiến độ; kịp thời báo cáo Thường trực HĐND Thành phố cho điều chỉnh linh hoạt kế hoạch vốn đối với các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng thực hiện và có nhu cầu bổ sung vốn.
UBND Thành phố cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát dự án đầu tư đối với các chủ đầu tư, UBND cấp huyện có kết quả giải ngân thấp để kịp thời chấn chỉnh. Yêu cầu các sở, ngành tiếp tục rà soát, thực hiện cải cách hành chính đối với những thủ tục về đầu tư xây dựng, về bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất… Phát hiện, xử lý, thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém hoặc nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính về quản lý đầu tư và xây dựng các dự án đầu tư công.