Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trường hợp mắc sốt xuất huyết tử vong đầu tiên trong năm nay là nam thanh niên 19 tuổi (ở quận Hà Đông, Hà Nội). Bệnh nhân có tiền sử u bạch mạch đã phẫu thuật và viêm gan C mạn. Ngày 23/8, bệnh nhân sốt 38,5 độ, đau đầu, đau mỏi cơ khớp.
Ảnh minh hoạ |
Sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện tư, hết sốt, đến tối ngày 26/8, bệnh nhân nôn ra máu cục lẫn thức ăn, đại tiện phân đen. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Quân Y 103 điều trị, được chẩn đoán sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo. Dù được điều trị tích cực, nhưng tình trạng bệnh tiếp tục nặng lên và bệnh nhân tử vong ngày 29/8.
Một trường hợp khác cũng được ghi nhận tử vong do sốt xuất huyết là nữ bệnh nhân (45 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Theo tin từ Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, nữ bệnh nhân nói trên phát hiện sốt xuất huyết và điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, sau đó 1 ngày chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Trong đêm 29-8, nữ bệnh nhân có dấu hiệu mệt, nhịp thở tăng. Đến sáng 30-8, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu nặng lên rõ hơn.
Bác sĩ cho biết, các dấu hiệu suy hô hấp, suy tuần hoàn của bệnh nhân diễn biến quá nhanh. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc vận mạch, thêm kháng sinh, truyền cao phân tử tiếp và truyền 4 đơn vị khối tiểu cầu…
Kết quả xét nghiệm cho thấy, tình trạng tiên lượng của bệnh nhân rất nặng, sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên, do bệnh nặng, bệnh nhân đã tử vong trong đêm 30-8.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, trường hợp nữ bệnh nhân nói trên là ca bệnh sốt xuất huyết nặng nhất mà bệnh viện tiếp nhận trong mùa dịch năm nay.
Trước đó, Bệnh viện cũng tiếp nhận những ca bệnh có diễn biến nặng, được hội chẩn, chuyển tuyến lên bệnh viện trung ương. Sau đó, sức khoẻ của bệnh nhân ổn định.
Theo báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến ngày 25/8/2023, cả nước ghi nhận 66.386 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 14 bệnh nhân tử vong (tại Đồng Nai (4), Đắk Lắk (2), Phú Yên (2), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), TP.HCM (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Long An (1)). So với cùng kỳ năm 2022 (với 172.567 ca mắc, 93 ca tử vong) số mắc giảm 61,5%, tử vong giảm 79 trường hợp.
Số mắc sốt xuất huyết 8 tháng đầu năm 2023 tập trung tại Hà Nội (5.190 ca mắc) và một số tỉnh khu vực miền Trung, miền Nam như TP.HCM (8.628 ca mắc), An Giang (3.161 ca mắc), Đồng Nai (3.114 ca mắc), Bình Dương (2.482 ca mắc), Bình Thuận (3.118 ca mắc), Sóc Trăng (2.481 ca mắc).
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhận định, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết của cả nước 8 tháng đầu năm 2023 là 0,02% (thấp hơn tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết giai đoạn 2016-2020 là 0,03%), thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và nằm trong chỉ tiêu về giảm tử vong do Thủ tướng Chính phủ giao tại Chương trình mục tiêu Y tế-Dân số giai đoạn 2016-2020 (≤0,09).
Tất cả các trường hợp tử vong đều ghi nhận tại khu vực miền nam, miền trung, Tây Nguyên, chưa có trường hợp tử vong ghi nhận tại khu vực miền Bắc.
Số mắc sốt xuất huyết ghi nhận tăng cao bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6), và tăng cao nhất trong 3 tuần gần đây. Số mắc sốt xuất huyết trong 8 tháng đầu năm 2023 giảm tại 3 khu vực (Khu vực miền nam giảm 71%, khu vực miền trung giảm 44,3%, khu vực Tây Nguyên giảm 34%), riêng khu vực miền Bắc tăng 125,2%, đặc biệt tại Hà Nội tăng 5,3 lần.
Tuýp virus sốt xuất huyết lưu hành năm 2023 chủ yếu là D1, D2 và không có sự khác biệt với các tuýp virus lưu hành những năm gần đây.
Theo Cục Y tế dự phòng, Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á trong đó nhiều quốc gia hiện ghi nhận số mắc và tử vong tăng cao trong năm 2023. Số mắc tại Việt Nam tăng bắt đầu từ tuần 26 (tháng 6) đến nay tương đồng với sự gia tăng số mắc sốt xuất huyết trong nhiều năm qua.
Nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết hiện nay do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, đặc biệt tại khu vực miền Bắc đang trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng ẩm, nắng mưa đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng và muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh.
Môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng (bọ gậy) của muỗi truyền bệnh; sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống sốt xuất huyết tại một số địa phương chưa cao.
Ngoài ra, theo Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.
Dự báo thời gian tới, do đang vào cao điểm mùa mưa nên số mắc tiếp tục có diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, ngày 29/8/2023, Bộ Y tế đã gửi công văn số 5480/BYT-DP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
Đối với dịch truyền Dextran là dung dịch cao phân tử, được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, Cục Quản lý Dược đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu dịch truyền Dextran chưa có Giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổng số lượng đã cấp phép nhập khẩu là 17.010 túi.
Theo báo cáo của cơ sở nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thuốc thực tế đã nhập về là 12.550 túi, trong đó số lượng thuốc đã cung ứng cho các bệnh viện là 5.118 túi và số lượng thuốc còn tồn tại kho của cơ sở nhập khẩu là 7.432 túi.
Như vậy, hiện nay thị trường Việt Nam đã có nguồn cung ứng dịch truyền Dextran. Yếu tố cốt lõi quyết định việc bảo đảm cung ứng thuốc là các đơn vị chủ động đặt hàng trước các doanh nghiệp nhập khẩu.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động các biện pháp phòng tránh muỗi đốt. Bởi những ai đã mắc phải sốt xuất huyết đều cảm thấy sởn gai ốc trước căn bệnh này, bởi nó gây tác hại lớn tới sức khỏe. Có người mắc bệnh, do chủ quan, đã dẫn tới hậu quả lớn.
Chẳng hạn, một người đàn ông 40 tuổi ở Hà Nội bị sốt cao, đau đầu dữ dội do sốt xuất huyết, song tự mua thuốc điều trị tại nhà, khi nhập viện đã tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, đe dọa tính mạng.
Bệnh nhân trên nhập viện khi các triệu chứng sốt, đau đầu không thuyên giảm, dù tự uống thuốc 4 ngày, kèm chảy máu cam. Anh cho biết, khu vực gia đình sinh sống hiện là một trong những ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp tại Hà Nội.
Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Bác sĩ nhận định, tình trạng rất nguy hiểm, cần nhập viện gấp để truyền máu và theo dõi sát sao.
Các bác sĩ khuyến cáo một số sai lầm khiến sốt xuất huyết trở nặng, như chủ quan không đi khám bệnh, tự ý dùng kháng sinh điều trị, nghĩ hết sốt là khỏi bệnh.
Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, chủ yếu chữa triệu chứng và theo dõi dấu hiệu cảnh báo. Bệnh nhân cần nhập viện khi có một trong các dấu hiệu như xuất huyết niêm mạc, chảy máu răng, mũi, tiêu hóa; đau bụng vùng gan; nôn nhiều; xét nghiệm tiểu cầu giảm nhanh và máu cô đặc; nước tiểu ít.