Mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng nhà máy xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng công nghệ cao tiên tiến, thân thiện môi trường, tận dụng phế thải xây dựng, bùn thải từ hoạt động xây dựng để tái chế làm nguyên vật liệu tái sử dụng, giảm thiểu chôn lấp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường phát sinh từ phế thải, bùn thải xây dựng.
Nhà máy xử lý chất thải rắn tại Đông Anh sẽ được đầu tư theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Ảnh minh họa |
Theo đó, Dự án có diện tích khoảng 7,1 ha, có công suất tái chế phế thải xây dựng thông thường khoảng 1.000 tấn/ngày đêm, tái chế bùn thải xây dựng khoảng 1.000 m3/ngày đêm. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 228,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách, được triển khai trong năm 2018 và kéo dài 12 tháng kể từ ngày được giao đất.
Về cơ chế đầu tư, kinh doanh, nhà đầu tư trực tiếp đầu tư, tự hạch toán kinh doanh. Khi nhà nước, thành phố ban hành các quy định về định mức, tiêu chuẩn và cơ chế chính sách đối với hoạt động xử lý, tái chế chất thải rắn xây dựng sẽ thực hiện theo quy định, chính sách của nhà nước, thành phố. Cùng với đó, thành phố sẽ định hướng phân luồng điều phối lượng rác thải xây dựng.
Hà Nội yêu cầu dự án phải sử dụng công nghệ mới nhất, tiên tiến của thế giới. Ngoài nhiệm vụ tái chế chất thải rắn xây dựng, phải xử lý bùn, đất khoan cọc nhồi từ các công trình xây dựng, đảm bảo yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường, xử lý tiếng ồn và bụi.