Du lịch
Hà Nội “khai sinh” nhiều sản phẩm du lịch độc đáo
Hồ Hạ - 26/12/2021 08:11
Ngay trong “bão” Covid-19, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô đã “khai sinh” loạt tour, sản phẩm mới độc đáo, ấn tượng, hấp dẫn cho ngày trở lại của ngành kinh tế xanh.
Tour du lịch xe đạp Tinh hoa Tràng An liên tục kín chỗ vào dịp cuối tuần.

Nhiều tour, sản phẩm đặc sắc

Theo Sở Du lịch TP. Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2019, khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 10,1%/năm, tốc độ tăng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế bình quân đạt 21,2%/năm, hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu khách du lịch quốc tế tới địa phương đến năm 2020 được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của Covid-19, ngành kinh tế xanh Thủ đô gặp nhiều khó khăn, thiệt hại lớn. Lượng du khách đến Hà Nội năm 2021 chỉ đạt khoảng 4 triệu lượt, bằng 13,82% lượng khách năm 2019. Tổng thu du lịch năm 2021 chỉ đạt 11.280 tỷ đồng, bằng 10,86% năm 2019. 

Sở Du lịch TP. Hà Nội đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành, làm cơ sở để đầu tư xây dựng hạ tầng và sản phẩm, tạo động lực, điều kiện tốt nhất cho du lịch Thủ đô phát triển trong giai đoạn tới.

- Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội

Cũng theo Sở Du lịch TP. Hà Nội, ngay từ đầu năm 2020, ngành du lịch Thủ đô đã nhận ra một số điểm yếu khiến quá trình phát triển chưa thực sự bền vững, chưa đủ sức chống chịu cũng như phục hồi nhanh trước những thay đổi bất ngờ của đại dịch. Trong đó, có nguyên nhân chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến chưa cao, thiếu sản phẩm du lịch trải nghiệm...

Bởi thế, ngay trong những “khoảng lặng” do “cơn đại hồng thủy” Covid-19 gây ra, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô đã cho ra mắt hàng loạt tour, sản phẩm mới an toàn, hấp dẫn.

Cuối tháng 10, Hanoitourist khai trương tour “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tổ chức vào thứ 7 và Chủ nhật hằng tuần với mức giá chỉ 75.000 đồng/khách. Tham gia tour du lịch đậm chất văn hóa này, du khách sẽ được khám phá giá trị lịch sử kiến trúc pha trộn giữa 2 nền văn hóa Pháp - Việt gắn với những sự kiện lịch sử của Thủ đô.

Ngày 20/11, Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) đã ra mắt chùm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp “VGreen bike tour - Tinh hoa Tràng An”. Trong thời gian 1 ngày, hành trình sẽ đưa du khách khám phá các con đường nổi tiếng của Hà Nội tại khu vực hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, tìm hiểu đời sống các phố nghề tại khu phố cổ, thăm di sản văn hóa, kiến trúc của Hà Nội…

Hình thành các cụm du lịch trọng điểm

Cùng với các doanh nghiệp, nhiều điểm đến tại Thủ đô cũng không ngừng nâng cao chất lượng, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá và xây dựng sản phẩm.

Nhằm mang đến “làn gió mới” cho du lịch Hà Nội, mới đây, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) đã phối hợp với Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cùng Hanoitourist xây dựng sản phẩm trải nghiệm phố cổ với những di tích lịch sử, văn hóa… bằng xe điện.

Giữa tháng 11, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xây dựng xong Đề án Phát triển du lịch thông minh, với điểm nhấn là sản phẩm trình chiếu ánh sáng bằng ứng dụng tham quan ảo 3D mapping để phát triển du lịch về đêm. Song song là hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, tham quan ảo 3D trên Internet, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo VR 360, tương tác 3D với những di sản tiêu biểu… Qua đó, du khách được tiếp cận thông tin, hình ảnh toàn diện và có những trải nghiệm thú vị.

Trước đó, tour “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” do Hanoitourist và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp thực hiện đã tạo được dấu ấn với hàng ngàn du khách. Sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hanoitourist tổ chức mang đến câu chuyện hấp dẫn về các triều đại, hoàn toàn khác biệt so với các sản phẩm trước đây và thu hút đông đảo du khách.

Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác những điểm di tích văn hóa, lịch sử; các khu, điểm du lịch không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm đã góp phần thu hút du khách đến với Thủ đô.

Thông tin từ Sở Du lịch TP. Hà Nội, tháng 11/2021, ngành du lịch Thủ đô đã đón 300.000 lượt du khách. Một số bảo tàng, công viên, khu sinh thái, nghỉ dưỡng như Công viên Thủ Lệ, Bảo tàng Dân tộc học, khu Tản Đà… đón đón hàng ngàn đến hàng chục ngàn lượt khách.

Để phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô, ngày 17/12, TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương. Tại Hội nghị, 12 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang) đã ký kết hợp tác phát triển du lịch an toàn giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hà Nội chia sẻ, 12 tỉnh, thành phố đã thống nhất cùng xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể và cam kết tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch đưa khách đến địa phương mình tham quan, du lịch đảm bảo thuận lợi về giao thông, chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo nguyên tắc “2 điểm đến, 1 hành trình xuyên suốt”.

Bà Giang cho hay, thời gian tới, ngành du lịch Hà Nội sẽ đổi mới cách khai thác theo hướng hình thành cụm du lịch trọng điểm theo từng khu vực. Cụm du lịch trung tâm phát triển du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực; cụm du lịch vùng ven đô phát triển du lịch kết hợp hội nghị,  thể thao, giải trí; cụm du lịch vùng ngoại thành phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch nông thôn...

“Cú hích thông hành” từ những cái bắt tay giữa Hà Nội và các địa phương cùng loạt sản phẩm, tour du lịch an toàn, hấp dẫn hứa hẹn, ngành kinh tế xanh sẽ sớm phục hồi.

Tin liên quan
Tin khác