Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị UBND Thành phố và các sở, ngành liên quan có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhằm “giữ chân” người lao động.
Ảnh minh họa: Internet |
Tại văn bản này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 28/3, toàn bộ hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố phải dừng hoạt động theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc này khiến khoảng 8.000 lao động trong hệ thống vận tải hành khách công cộng của thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp.
Trong giai đoạn tạm dừng hoạt động hiện tại, các doanh nghiệp đã cho người lao động tạm ngừng việc và chi trả tiền lương trong thời gian ngừng việc không thấp hơn lương tối thiểu vùng theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Hiệp hội kiến nghị Thành phố có cơ chế riêng hỗ trợ để các doanh nghiệp có kinh phí chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động trong trường hợp chưa đủ điều kiện hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ (1.800.000 đồng/người/tháng).
Ông Thông nhấn mạnh, nếu tiếp tục kéo dài thời gian giãn cách xã hội từ 1 tháng trở lên, các doanh nghiệp buộc phải thỏa thuận với người lao động thực hiện phương án tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động sẽ được hưởng chế độ theo gói hỗ trợ của Chính phủ (1.800.000đ/người/tháng). Trong trường hợp này, có thể dẫn đến người lao động không đồng ý tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương mà xin chấm dứt hợp đồng lao động với số lượng lớn.
"Nếu vậy, khi hết dịch, xe buýt hoạt động trở lại, các đơn vị không thể ngay một lúc tuyển được số lượng lớn người lao động (đặc biệt là lái xe hạng D, hạng E) để thực hiện nhiệm vụ. Đề nghị thành phố sớm có hướng dẫn chi tiết để các đơn vị làm thủ tục hỗ trợ người lao động và có cơ chế hỗ trợ kinh phí để các đơn vị thu hút, tuyển dụng lại lao động", Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội đề xuất.
Cũng theo văn bản trên, Hiệp hội này cũng đề nghị UBND TP. Hà Nội, Sở Lao động - thương binh xã hội miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; cho phép các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng và người lao động miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 4/2020 đến khi Chính phủ công bố hết dịch Covid 19.