Y tế - Sức khỏe
Hà Nội: Lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội
D.Ngân - 26/11/2024 08:51
UBND TP.Hà Nội yêu cầu công tác thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật.

UBND TP.Hà Nội vừa có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025.

Kế hoạch nhằm tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, bảo đảm công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025.

UBND TP.Hà Nội yêu cầu công tác thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật. Ảnh: Thu Trang

Theo đó, thanh, kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, trọng tâm vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Ất Tỵ và các lễ hội, như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Để làm tốt công tác thanh, kiểm tra, UBND thành phố thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cấp thành phố. Trong đó, Đoàn 1 do lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Chương Mỹ, Ba Đình, Tây Hồ, Mỹ Đức.

Đoàn 2 do lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Gia Lâm, Long Biên, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Sóc Sơn, Đông Anh.

Đoàn 3 do lãnh đạo Sở Công Thương làm Trưởng đoàn kiểm tra tại các quận, huyện: Mê Linh, Nam Từ Liêm, Thanh Oai, Phú Xuyên, Hai Bà Trưng, Sơn Tây, Ba Vì.

Đoàn 4 do lãnh đạo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn, thanh, kiểm tra tại các quận, huyện: Hoài Đức, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Xuân, Đống Đa, Đan Phượng, Ứng Hòa.

Tại cấp huyện, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân năm 2025 tại các xã, phường, thị trấn; kiểm tra lễ hội, các cơ sở, dịch vụ, cơ sở sản xuất hộ gia đình, đại lý kinh doanh thực phẩm… đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện, thị xã quản lý; phúc tra, giám sát các cơ sở do xã, phường, thị trấn kiểm tra.

Cấp xã, phường, thị trấn sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra tại các lễ hội, cơ sở phục vụ, dịch vụ, cơ sở bán lẻ, chợ và thức ăn đường phố trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo phân cấp.

UBND thành phố yêu cầu công tác thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định pháp luật.

Trong quá trình thanh, kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trong tháng 10/2024, cả nước xảy ra 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 183 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 10 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 99 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.561 người bị ngộ độc, trong đó có 12 người tử vong.

Không lệ cứ vào những tháng cuối cùng của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao cũng kéo theo nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt, tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp.

Hiện nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng vẫn diễn ra, đặc biệt là các loại thực phẩm không an toàn như bim bim, xúc xích, nội tạng động vật...

Các đối tượng thường gian lận bằng cách thay đổi nhãn mác hoặc chỉnh sửa để kéo dài thời hạn sử dụng trên bao bì để tiêu thụ hàng hóa.

Thực phẩm Tết, với đặc trưng là các món ăn truyền thống, đồ chế biến sẵn như bánh chưng, bánh tét, giò chả, mứt, trái cây, thịt gia cầm, hải sản... được tiêu thụ mạnh mẽ trong thời gian này. Đây cũng là thời điểm các hành vi sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo vệ sinh có thể gia tăng do nhu cầu lớn và mức độ kiểm soát lỏng lẻo hơn.

Lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm, ngăn chặn thực phẩm không an toàn xâm nhập thị trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 5.820 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, bao gồm các cơ sở tại lễ hội, hội chợ, khu du lịch và các điểm công cộng.

Theo đó, Chi cục ghi nhận có 83,7% các cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và hơn 16% cơ sở có vi phạm. Những cơ sở vi phạm đã được lực lượng chức năng xử phạt và yêu cầu khắc phục, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra 35.146 lượt cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, trong đó có 84,5% số cơ sở đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm; những trường hợp không đạt tiêu chuẩn đã được cơ quan chức năng nhắc nhở và xử phạt theo quy định.

Tin liên quan
Tin khác