Đầu tư và cuộc sống
Hà Nội lập chốt cứng rào chắn tại 30 điểm cầu, người dân không di chuyển qua đây
Hạnh Nguyên - 04/09/2021 11:11
Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với các địa phương lắp đặt chốt cứng rào chắn tại 30 điểm cầu, người dân không di chuyển qua đây.

Để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, Sở Xây dựng Hà Nội phối hợp với các địa phương lắp đặt chốt cứng rào chắn tại 30 điểm cầu, người dân không di chuyển qua đây.

Đến 23 giờ ngày 3/9, Sở Xây dựng đã phối hợp với các địa phương hoàn thành việc lắp đặt chốt cứng tại 16 điểm cầu trên địa bàn thành phố Hà Nội bao gồm: Liên Mạc 2; Cầu Phố Viên; Cầu Noi; Cầu Khu CN Bộ Công an; Đông La; Bích Hòa 2; Trạm bơm Khe tang; Cầu Mỹ Hưng; Cầu Đen; Cầu Dương Hiền; Hoàng Xá 2; Cầu Khánh Vân; Cầu làng Phúc Am; Duyên Thái; 2 vị trí trên Đường gom cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Ngoài 16 cầu trên, Sở Xây dựng đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương phấn đấu trong ngày 4/9/2021 hoàn thành chốt cứng 14 cầu còn lại, đó là: Cầu Đại học Vân Canh; Cầu cạnh cầu sông Đáy; Cầu cạnh hồ câu sông Đáy; Cầu Lại Dụ; Mai Lĩnh cũ; Cầu Đồng Hoàng; Cầu xóm sông Cầu (cầu sắt); Hoàng Xá 1, Đỗ Hà; Cầu Văn Xá; Cầu cạnh cocacola; Lối lên cao tốc từ đường kênh Hồng Vân; Cầu kẹ qua kênh Hồng Vân; Đê Hồng Vân.

Sau khi hoàn thành, Sở Xây dựng sẽ bàn giao cho các địa phương quản lý.

Trước đó, tối 3/9, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thành phố quyết định triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại 3 vùng, kể từ 6 giờ 00 ngày 6/9/2021 đến 6 giờ 00 ngày 21/9/2021.

UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu tăng cường giãn cách xã hội với những biện pháp mạnh hơn nữa tại Vùng 1 (Vùng nội đô) để kiểm soát chặt nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, khoanh vùng xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan giữa các khu vực, làm sạch dần tiến đến “xanh hóa” toàn bộ các khu vực.

Cụ thể, Vùng 1 là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao. Phạm vi bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

Công an Hà Nội lập 21 chốt kiểm soát siết chặt “vùng đỏ”
Ngày 3/9, Công an Thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản hỏa tốc về việc triển khai chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại phân vùng 1 (vùng đỏ) từ 7 giờ ngày 4/9.
Cụ thể, Công an Hà Nội đề nghị Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện liên quan phối hợp tổ chức chốt trực tại các tuyến đường ra, vào phân vùng 1.
Trong đó, 21 chốt trực của Thành phố đặt tại vị trí có mật độ giao thông cao (16 cán bộ/ca/chốt), các chốt trực 24/24h, chia làm 4 ca trực, 6 giờ/ca, với chốt trưởng là cán bộ Phòng PC08 - Công an Thành phố Hà Nội.
Nhiệm vụ của các chốt trực: Kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện vào, ra phân vùng 1, bảo đảm an ninh, trật tự, hướng dẫn, phân luồng giao thông.
Dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế; kiểm tra Giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định; kiểm tra phương tiện được phép vận chuyển các loại hàng hoá thiết yếu; có thể xét nghiệm nhanh Covid-19 trong trường hợp nghi ngờ, khử trùng trong trường hợp cần thiết;
Kiểm tra, đối chiếu kết quả xét nghiệm, chủ động sàng lọc toàn bộ người được phép đi vào phân vùng 1. Các chốt trực kiên quyết yêu cầu quay đầu với các trường hợp không đủ điều kiện.
Dự kiến, vị trí 21 chốt tại phân vùng 1 của Hà Nội gồm: Cầu Thăng Long; Cầu Diễn; Cầu Thạch Bích; Cầu sông Đáy; Cầu Mai Lĩnh; Câu Quán Gánh; Cầu Thanh Trì; Cầu Vĩnh Tuy; Cầu Chương Dương; Cầu Nhật Tân; Cống Liên Mạc; Cầu vượt Sông Nhuệ; Cầu Ngà; Cầu 72 II; Cầu Cù Sơn; Cầu Tân Phú; Ngã ba đê Tả Đáy; Cầu Khê Tang; Cầu Qua Ngã ba đê Hữu Hồng - Trạm Bơm Hồng Vân; Cầu Long Biên.
Ngoài ra, 9 chốt trực của UBND quận, huyện đặt tại vị trí có mật độ giao thông trung bình (9 cán bộ/ca/chốt) và 9 chốt trực của UBND xã, phường, thị trấn đặt tại vị trí có mật độ giao thông thấp (4 cán bộ/ca/chốt).
Theo UBND Thành phố Hà Nội, vùng 1 được xác định: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao.
Phạm vi: Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.
Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.
Tin liên quan
Tin khác