- Hà Nội: Khẩn trương cải thiện chất lượng môi trường nước hồ Tây
- Hà Nội được phân bổ hơn 53.000 liều vắc-xin AstraZeneca
- Hà Nội dừng tuyển sinh lớp 6 hệ song bằng
- Hơn 35.000 cán bộ Hà Nội nghiên cứu, quán triệt 10 chương trình công tác khóa XVII
- 650 điểm cầu học tập 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII
Chiều 26/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chủ trì phiên họp trực tuyến với các Sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo báo cáo cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng yêu cầu các sở ngành, địa phương siết chặt công tác phòng chống dịch, nâng mức cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch lên “mức độ cao”. |
Ấn Độ hiện là tâm điểm của dịch bệnh, số ca mắc và tử vong hàng ngày đều tăng cao, chỉ trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 349.313 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch và thêm 2.761 trường hợp tử vong. Hiện tại quốc gia này đang thiếu nghiêm trọng nguồn lực, trang thiết bị y tế, đặc biệt là oxy để cứu chữa người bệnh.
Tại Thái Lan, dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu giảm, số ca mắc trong ngày 24/4 ghi nhận ở mức gần 3.000 trường hợp và tập trung chủ yếu ở thủ đô Bangkok. Chính quyền một số địa phương tại Thái Lan đã áp đặt thêm nhiều biện pháp phòng dịch quyết liệt trong nỗ lực kiểm soát dịch bùng phát.
Tại Camphuchia, trong tuần qua, mỗi ngày đều có khoảng 500 ca mắc (cao hơn tuần trước, tuần trước trung bình khoảng 300 ca mắc/ngày). Các cơ quan chức năng nước này đang khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm kìm chế sự lây lan của dịch bệnh, áp dụng phong tỏa 14 ngày với thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao của tỉnh Kandal để cắt đứt chuỗi lây lan Covid-19, tuy nhiên dịch bệnh vẫn gia tăng.
Tại Lào, số tỉnh có ca mắc mới ngày một tăng, cho thấy bệnh dịch đang có xu hướng lan rộng, trong đó có nhiều tỉnh tiếp giáp Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, đã có 16/18 tỉnh/thành của Lào thực hiện phong tỏa và giới nghiêm.
Tại Việt Nam, từ ngày 19-25/4/2021, ghi nhận 52 ca mắc mới đều là người nhập cảnh, giảm 37 trường hợp mắc mới so với tuần trước. Cộng dồn đến nay nước ta ghi nhận 2.833 ca mắc, 35 ca tử vong, và đã qua 32 ngày không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong nước.
Tại Hà Nội, từ ngày 19-25/4/2021, Hà Nội ghi nhận thêm 3 ca mắc mới là người từ nước ngoài về được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Từ 16/2/2021 đến nay (70 ngày), Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Trong tuần, phát sinh 3 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia có về qua sân bay Nội Bài. Cả 3 người nhập cảnh trái phép từ Campuchia về Việt Nam qua đường tiểu ngạch gần cửa khẩu Xa Mát, Tây Ninh.
Ngày 21/4, đi trên chuyến bay VJ134 từ Tân Sân Nhất đến Nội Bài. Sau đó bắt taxi từ sân bay Nội Bài đi thẳng về Thái Nguyên và Bắc Ninh. Không lưu trú tại Hà Nội. Hiện tại, cả 3 trường hợp đã được cách ly y tế, xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1.
Theo Ban Chỉ đạo, mặc dù dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước đã được kiểm soát tuy nhiên nguy cơ vẫn ở mức cao. Lý do, tình hình dịch bệnh được khống chế dẫn đến một số nơi có biểu hiện chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Đặc biệt trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 sắp tới dự báo lưu lượng người đi lại, du lịch nhiều hơn, tình trạng tập trung đông người sẽ gia tăng như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ cao hơn.
Dịch bệnh trên Thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, chính quyền một số quốc gia đã phải tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa, giới nghiêm nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Trong khi đó các chuyên gia tiếp tục được nhập cảnh tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Hiện nay dịch bệnh tại các nước khu vực Đông Nam Á vẫn gia tăng như tại Thái Lan, Malaysia, đặc biệt là Campuchia và Lào cũng ghi nhận số mắc ngoài cộng đồng tăng trong thời gian gần đây; Đây lại là các nước có đường biên giới tiếp giáp nhiều với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nhập cảnh trái phép vào nội địa và nguy cơ dịch bệnh theo đó cũng xâm nhập vào nước ta.
Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận định, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới hết sức phức tạp nhất là tại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Lào, Campuchia…
Tại Hà Nội, mặc dù đến nay, đã 70 ngày không có ca mắc mới ngoài cộng đồng, song, thời gian sắp tới, đặc biệt là trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, theo dự tính, lưu lượng người đi và đến Hà Nội sẽ rất đông.
"Trước tình hình trên thế giới, các chuyên gia nước ngoài tiếp tục nhập cảnh vào Việt Nam và Hà Nội; ý thức người dân còn chủ quan; vị trí của Thủ đô là nơi giao thương… thì nguy cơ bùng phát dịch rất cao", Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, siết chặt công tác phòng chống, dịch và sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. Đồng thời, nâng cao mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lên mức độ cao.
Các đoàn kiểm tra của TP tăng cường kiểm tra, xử phạt việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi có ca dương tính, sẵn sàng ở mức độ cao nhất ứng phó với dịch bệnh.
Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch với phương châm phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình.
Phó Chủ tịch đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các địa phương quyết liệt chỉ đạo và giám sát nghiêm các biện pháp như: khai báo mã QR- Code; thông điệp "5K" của Bộ Y tế…
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên tự đánh giá về an toàn phòng, chống dịch. Đối với các cơ sở y tế, chợ, siêu thị, sân bay... các sở, ban ngành và đoàn kiểm tra vào cuộc một cách nghiêm túc để phòng, chống dịch. "Chỉ cần một ý thức chủ quan, lơ là của người dân sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn", Phó Chủ tịch nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị chủ động trong công tác phòng, chống dịch, theo đó, chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị. Khi phát hiện ca bệnh phải khoanh vùng, cách ly ngay, không để lây lan diện rộng và tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Thành phố hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động đông người; tiếp tục triển khai tiêm vắc xin đợt 2 bảo đảm an toàn, hiệu quả; tăng cường giám sát về nhập cảnh, nhất là các điều kiện trước khi nhập cảnh; đảm bảo an toàn tại các cơ sở cách ly…
Lưu ý các đơn vị thực hiện nghiêm công tác ứng trực, Phó Chủ tịch nhấn mạnh: "Lãnh đạo cơ quan chức năng phải sẵn sàng công việc ngay cả trong ngày nghỉ để cập nhật thông tin kịp thời và phòng chống dịch hiệu quả".