25 khó khăn, vướng mắc được Hà Nội chuyển đến Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng |
25 vướng mắc liên quan tới quá trình chuẩn bị, triển khai và thực hiện 3 nhóm dự án đầu tư, bao gồm dự án đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), và dự án đầu tư cho sản xuất - kinh doanh, vừa được UBND TP. Hà Nội gửi tới Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại bộ ngành và địa phương.
Tổ công tác đặc biệt này được thành lập Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021, với mục tiêu rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị |
“Nếu các vướng mắc này được tháo gỡ, sẽ giúp các dự án sớm được đưa vào triển khai, giúp giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế. Điều này rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế trong bối cảnh Covid-19 hiện nay”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Tổ phó Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng nói trong Hội nghị trao đổi với TP. Hà Nội vào chiều ngày 1/9 vừa qua.
Xác định tính cấp thiết của vấn đề, tại Hội nghị, các thành viên Nhóm giúp việc của Tổ công tác, đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Xây dựng…, đã trực tiếp giải đáp các vướng mắc từ địa phương.
Tinh thần chung, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, những vấn đề đã rõ và giải quyết được ngay, Tổ công tác sẽ “gỡ rối” ngay cho địa phương. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Tổ công tác sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, tháo gỡ.
Ngoài ra, những vấn đề cần sửa đổi cả Luật, Tổ công tác sẽ tổng hợp, xin ý kiến các bộ ngành, báo cáo Chính phủ xem xét, cần thiết sẽ sửa đổi, bổ sung cả các luật liên quan.
Cụ thể, tại Hội nghị, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo 12 vướng mắc liên quan tới các dự án đầu tư công, 11 vướng mắc đối với các dự án đầu tư kinh doanh và 2 vướng mắc đối với các dự án PPP.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, các dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã gặp các vướng mắc liên quan đến công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, rồi thẩm quyền lập thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư, vướng mắc đối với quy định áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu xây lắp quy mô nhỏ…
Theo ông Tuấn, thì vướng mắc trong công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A cũng đang gây khó cho Hà Nội.
“Trước đây, các dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Nhưng sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp”, ông Tuấn nói và đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng HĐND Thành phố có thẩm quyền quyền quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, giải phóng mặt bằng cũng đang gây khó khăn cho quá trình triển khai các dự án. Ông Tuấn ví dụ, Dự án Xây dựng đường Vành đai 1 (Hoàng Cầu - Voi Phục), hay tuyến đường số 3, số 5 vào trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây vướng giải phóng mặt bằng nên làm chậm tiến độ thi công.
Các vướng mắc này cũng đã được Ban Quản lý Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP.Hà Nội nhắc đến, khiến dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội gặp khó…
Trong khi đó, đối với các dự án đầu tư kinh doanh, một trong những vướng mắc lớn nhất liên quan đến quy định các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở theo quy hoạch để xây dựng nhà ở xã hội.
Theo ông Tuấn, thì ở Hà Nội, đất có giá trị thương mại rất cao, do vậy, việc xây dựng nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng là không phù hợp.
UBND TP. Hà Nội cũng đề nghị thống nhất các quy định giữa Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất Đai và các nghị định hướng dẫn đối với triển khai nhà ở thương mại trong các trường hợp chuyển mục đích sử dụng quỹ đất đang quản lý, sử dụng và nhận chuyển nhượng, góp vốn đất nông nghiệp hay các loại đất khác để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Hà Nội đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về đất đai để đồng bộ trong việc thực hiện các quy định mới của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu; đề nghị xem xét thông nhất về thủ tục giữa quy định về đầu tư và quy định về phát triển cụm công nghiệp, hay việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng đất có quy mô nhỏ…
Trong khi đó, với các dự án PPP, Hà Nội đã nhấn mạnh những vướng mắc liên quan đến quá trình chuẩn bị dự án đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, cũng như liên quan việc triển khai các dự án đầu tư, các quy định để thực hiện chuyển tiếp đối với các dự án BT…
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đã đề nghị Tổ công tác sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, nhất là khi trên địa bàn Thành phố có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng vốn ODA.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, đã có 6 nội dung đã được làm rõ ngay tại hội nghị. 6/12 nội dung liên quan đến các luật, nghị định sẽ được rà soát lại, tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền. Còn đối với dự án PPP, các tồn tại cũng tương đối rõ, cơ quan chức năng sẽ sớm đưa ra hướng dẫn.
“Một số nội dung cần phải trao đổi thêm, Tổ công tác cũng sẽ đề xuất phương án xử lý”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.