Hà Nội tiếp tục là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư. Trong ảnh: Qualcomm Vietnam Company Limited khai trương văn phòng mới tại Hà Nội. |
Qualcomm Vietnam Company Limited, công ty con của Qualcomm Technologies, Inc., vừa chính thức khai trương văn phòng mới tại Hà Nội và Phòng Thí nghiệm khả năng tương tác - cũng là cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) đầu tiên của Công ty ở Đông Nam Á.
Nằm ở trung tâm TP. Hà Nội, văn phòng mới của Qualcomm Technologies sẽ kịp thời giải quyết những yêu cầu hỗ trợ của các công ty đối tác cũng như các cơ quan chính phủ. Với diện tích lớn hơn, số lượng kỹ sư và nhà phát triển được tăng cường, trụ sở mới này sẽ giúp đáp ứng nhu cầu cho sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao ngày càng tăng tại Việt Nam.
“Quyết định mở rộng văn phòng tại Hà Nội của chúng tôi và thành lập Phòng Thí nghiệm R&D phản ánh niềm tin của chúng tôi vào thị trường Việt Nam cũng như nhấn mạnh cam kết của chúng tôi với quốc gia này”, ông Thiều Phương Nam, Giám đốc cấp cao Phát triển kinh doanh của Công ty TNHH Qualcomm, Giám đốc Quốc gia của Qualcomm Technologies tại Việt Nam, Lào và Campuchia chia sẻ.
Có thể thấy, “ông lớn” công nghệ Qualcomm đã quyết định “đi xa hơn” tại Việt Nam sau thời gian dài có mặt tại thị trường. Qualcomm là một trong số hàng trăm doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội tại Hà Nội - nơi hội đủ những tiềm năng, lợi thế phát triển.
Định hướng mới
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, quan điểm thu hút FDI của Thành phố là thu hút có chọn lọc, hiệu quả. Không như những năm trước, Hà Nội xây dựng chiến lược thu hút FDI với từng thị trường, dựa vào thế mạnh của họ. Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Mỹ, châu Âu, Australia và New Zealand sẽ là những thị trường mục tiêu trong giai đoạn tới.
“Hà Nội tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó, nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ của Thành phố”, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết.
Thời gian gần đây, các công ty Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu có xu hướng chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Sức ép từ đại dịch Covid-19 sẽ đẩy nhanh quá trình này để giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực thiết bị y tế.
Nhật Bản dành hơn 240 tỷ yên (khoảng 2,2 tỷ USD) để hỗ trợ các công ty của nước này chuyển nhà máy về nước hoặc đa dạng hóa cơ sở sản xuất bằng việc chuyển đến Đông Nam Á. Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng Luật Sản xuất quốc phòng, buộc các công ty Mỹ sản xuất hàng hóa hỗ trợ chống dịch, khiến doanh nghiệp phải tư duy lại chuỗi cung ứng. Samsung Electronics Co., Ltd. đã chính thức ngừng sản xuất điện thoại di động tại Trung Quốc. Một số tập đoàn lớn như Sony, Apple, Foxconn đang có kế hoạch dự phòng cho những địa chỉ sản xuất khác ngoài Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một sự thay thế mạnh mẽ, nhờ sự gần gũi về vị trí địa lý với Trung Quốc, thuận lợi cho việc cung ứng linh kiện dễ dàng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, lao động tay nghề cao, nhưng chi phí lao động thấp cũng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp cân nhắc lựa chọn Việt Nam là nơi sản xuất.
Để đón đầu cơ hội thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao, trên cơ sở định hướng đầu tư nước ngoài đến năm 2030 tại Nghị quyết của Bộ Chính trị; nhằm đẩy mạnh chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến năm 2030, Hà Nội sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đạt được các chỉ tiêu: vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 30 - 40 tỷ USD (6 - 8 tỷ USD/năm); vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 20 - 30 tỷ USD (4 - 6 tỷ USD/năm); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa tăng lên trên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động trên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.
Theo đó, Hà Nội tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh thành công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP. Thành phố xác định, đây là nguồn lực rất quan trọng bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội cũng sẽ tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ, giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế.
Dự kiến, hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ tham dự Hội nghị. Nhân dịp này, Thành phố sẽ trao giấy phép cho hàng chục doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn dự kiến hơn 1 tỉ USD trong các lĩnh vực như công nghiệp, khu công nghiệp, khu đô thị mới, hệ thống xử lý nước thải…
Tiếp tục xây dựng chính phủ điện tử để giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp cũng là một trong những nội dung quan trọng được Thành phố tập trung thực hiện. Theo đó, những dịch vụ công liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều có thể thực hiện trên môi trường mạng. Thành phố sẽ tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách mới để tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chủ động xây dựng và đề xuất cơ chế đặc thù về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt.
Việc hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận đất đai cũng sẽ được chú trọng thông qua rà soát, xây dựng Danh mục Dự án đủ điều kiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, làm cơ sở công bố và thực hiện (đặc biệt là quỹ đất tại 5 khu đô thị vệ tinh đã được quy hoạch). Thành phố sẽ tiến hành rà soát quỹ đất sản xuất công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt; thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được phê duyệt làm cơ sở xây dựng Danh mục Dự án kêu gọi nhà đầu tư. Thống kê, đến nay, Hà Nội có 17 khu công nghiệp được phê duyệt (5 khu chuẩn bị xây dựng hạ tầng); 107 cụm công nghiệp (24 cụm chuẩn bị đầu tư xây dựng).
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư các dự án đã được cấp trong những năm qua, tập trung vào các dự án lớn, có sử dụng đất và các dự án sản xuất trong các khu công nghiệp, phấn đấu trung bình mỗi năm, vốn thực hiện khoảng 2 - 4 tỷ USD (Dự án Thành phố thông minh, Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Samsung R&D, Khu đô thị Tây Hồ Tây…).
Cơ hội đầu tư mới
Với những lợi thế về địa chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, tầng lớp trung lưu và sức mua ngày càng tăng, Hà Nội ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cần phải nhắc lại rằng, Hà Nội đang thúc đẩy tạo dựng nền tảng thành phố thông minh, tăng cường áp dụng công nghệ theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ như Qualcomm, Samsung, Sumitomo… tăng cường đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, bất động sản, chế biến chế tạo, thương mại và dịch vụ, hạ tầng giao thông, cảng biển, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp cũng sẽ là những lĩnh vực có tiềm năng lớn trong giai đoạn tới, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của Thủ đô.
Nắm bắt được tiềm năng và cơ hội mới, nhiều tập đoàn nước ngoài đã mở rộng sang Việt Nam, trong đó, phải kể đến một loạt dự án lớn đã được cấp phép trong những tháng đầu năm 2020 như: Dự án Nidec Chaun Choung Việt Nam (nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư qua Đài Loan), vốn đầu tư 174,5 triệu USD; Dự án Hanoi Lotte World Aquarium (Hàn Quốc), vốn đầu tư 47 triệu USD; Dự án Công trình văn phòng 29 Liễu Giai (Twin Peaks) tăng vốn - 246 triệu USD; Dự án Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ (TSQ Việt Nam) tăng vốn - 67,5 triệu USD.
Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang xúc tiến tìm kiếm cơ hội tại Hà Nội. Các chuyên gia dự báo, Hà Nội sẽ trở thành “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư từ Liên minh châu Âu (EU) khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, mở ra cơ hội mới cho Thành phố trong thu hút FDI.
Trong những năm qua, Hà Nội luôn đứng trong tốp đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong 2 năm 2018 - 2019, Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước trong thu hút FDI với vốn đăng ký 7,5 tỷ USD (năm 2018) và 8,669 tỷ USD (năm 2019).
Trong 5 tháng đầu năm 2020, Thành phố đã thu hút được 1.184,3 triệu USD. Trong Quý II/2020, khẩn trương tập trung hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các hồ sơ khả thi, phấn đấu thu hút 1,5 tỷ USD; nâng tổng vốn FDI thu hút 6 tháng năm 2020 đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Dự kiến, năm 2020 Thành phố thu hút khoảng 5 tỷ USD.
Để đạt được những thành quả này, Hà Nội đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm 2018), xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố (không thay đổi xếp hạng so với năm 2018), tăng 15 bậc so với năm 2015, tăng 42 bậc so với năm 2012.
Đây cũng là năm thứ 2, Hà Nội trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu trên Bảng xếp hạng PCI toàn quốc.
Trong 7 năm liên tiếp từ năm 2012 - 2019, Chỉ số PCI của Hà Nội duy trì tăng hạng và tăng điểm. Năm 2019, Hà Nội đã đạt mục tiêu: “Đến năm 2020, Chỉ số PCI của Hà Nội thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước”.