Hội nghị được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park, thôn Phù Dực, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. |
Hội nghị nhằm triển khai kế hoạch số 35/KH-SDL ngày 16/2/2023. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức quản lý nhà nước về du lịch nói chung, hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch nói riêng.
Tại Hội nghị, các giảng viên đã phổ biến nội dung quản lý nhà nước về cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo các quy định hiện hành cùng với một số nội dung mới có liên quan trong lĩnh vực dịch vụ du lịch; phổ biến những quy định mới nhất, cập nhật trong công tác phòng cháy chữa cháy đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và các dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 12,33 triệu lượt khách, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 2,03 triệu lượt khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022; khách du lịch nội địa ước đạt 10,3 triệu lượt khách, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44.880 tỷ đồng, tăng 74,3% với cùng kỳ năm trước.
Hà Nội hiện có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng; trong đó có 603 khách sạn và căn hộ du lịch đã được xếp hạng từ 1-5 sao với 25.550 phòng (20 khách sạn 5 sao, 21 khách sạn 4 sao; 8 căn hộ du lịch 5 sao; 2 căn hộ du lịch 4 sao); chiếm 16,1% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 36,3% tổng số phòng.
Còn lại 3.153 cơ sở lưu trú du lịch chưa xếp hạng (trong đó 765 khách sạn, căn hộ du lịch). Trong 6 tháng đầu năm 2023, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 61,1%; tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Về các cơ sở dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, Hà Nội có 29 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 35 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 6 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khoẻ đã được Sở Du lịch Hà Nội quyết định công nhận.
Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm.
Năm 2022, Hà Nội nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022” vào tháng 9/2022 và giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới năm 2022” vào tháng 11/2022 do tổ chức Du lịch thế giới World Travel Awards 2022 đề cử và bình chọn. Đây tín hiệu tích cực, hứa hẹn cho thấy nhiều đột phá trong hành trình khôi phục và phát triển du lịch Thủ đô trong thời gian tới.
Năm 2023, Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn du lịch như: Giải thưởng Travel + Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023, hạng mục “Thành phố” đã vinh danh thành phố Hà Nội thuộc top 10 thành phố hàng đầu châu Á.
Đồng thời, Hà Nội có 48/103 nhà hàng đạt chuẩn Michelin Guide, trong đó, đặc biệt có 3 nhà hàng được gắn 1 sao Michelin - giải thưởng danh giá trong làng ẩm thực thế giới.
Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe Sen Tài Thu Vincom Mega Mall Smart City là 1/14 đơn vị đạt giải thưởng du lịch ASEAN 2023, hạng mục Dịch vụ Spa ASEAN; khẳng định đơn vị có sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững các điểm đến du lịch của khu vực ASEAN; là cơ hội cho doanh nghiệp du lịch cũng như các tổ chức du lịch Hà Nội tiếp thị hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia.
Thành phố Hà Nội đã xây dựng hệ thống các văn bản liên quan phát triển và quản lý lĩnh vực cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch, tiêu biểu như: NQ06 về phát triển quản lý nhà nước; QĐ 469 ngày 28/1/2022 ban hành quy chế phối hợp quản lý cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn; QĐ 49/2022 ngày 30/12/2022 quy định phân cấp một số thẩm quyền quản lý nhà nước của quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật, du lịch.
Tuy nhiên, nhìn chung cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch về lưu trú du lịch, về kinh doanh dịch vụ du lịch khác chưa đồng bộ, thiếu về số lượng, chất lượng chưa đồng đều; đặc biệt rất thiếu các cơ sở lưu trú có chất lượng cao (hạng 4-5 sao) chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của khách du lịch;
Còn thiếu các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, ăn uống, thể dục thể thao… phục vụ du lịch chất lượng cao, quy mô lớn, đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế, đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của khách du lịch.
Kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch là loại hình kinh doanh có điều kiện, song nhiều cơ sở chưa nghiêm túc tuân thủ, tham gia kinh doanh khi chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện và đăng ký cấp có thẩm quyền theo quy định; cũng như chưa cập nhật các quy định mới điều chỉnh các quy định kinh doanh của mình.
Thủ đô Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón và phục vụ trên 30 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế). Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đóng góp tổng hợp của ngành Du lịch vào GRDP Thành phố phấn đấu đạt trên 8%. Công suất sử dụng buồng phòng trung bình khối khách sạn, lưu trú đạt trên 55%.
Để đạt được những mục tiêu đó, thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô sẽ nỗ lực, tạo bước phát triển toàn diện, đồng bộ cho toàn ngành cả về quy mô, chất lượng, cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Từng bước khẳng vai trò là ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn, động lực quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực khác.
Tập trung hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế sẵn có là kết tinh, hội tụ của các giá trị tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, con người của Thủ đô Hà Nội; hình thành các ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp bổ trợ du lịch như: hoạt động kinh tế đêm, công nghiệp văn hóa,...
Từng bước phấn đấu đưa Hà Nội nằm trong nhóm thành phố có ngành du lịch chuyên nghiệp, phát triển có thương hiệu, sản phẩm uy tín, có các sản phẩm du lịch đặc sắc, có tính cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.