Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn số 5509/SYT-NVY gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố về việc triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng uốn ván - bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Người dân đang tiêm chủng vắc-xin uốn ván tại Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec. |
Theo đó, vắc-xin phòng uốn ván - bạch hầu (Td) sẽ được đưa vào trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ em 7 tuổi trên địa bàn TP, thời gian triển khai từ năm 2024.
Để tổ chức tiêm chủng đạt hiệu quả, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Y tế, Phòng Giáo dục - đào tạo, Trung tâm Y tế, UBND các xã, phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể liên quan lập kế hoạch, tổ chức rà soát đối tượng và tổ chức tốt hoạt động tiêm chủng vắc-xin uốn ván- bạch hầu (Td) cho trẻ 7 tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu từ tháng 11/2024 và các năm tiếp theo.
Cùng với đó, Sở Y tế TP đề nghị các quận, huyện, thị xã tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc chủ động tiêm chủng vắc-xin phòng các bệnh trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Bố trí kinh phí cho các hoạt động tổ chức triển khai tiêm chủng vắc-xin uốn ván- bạch hầu (Td) theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 5-7-2023 về TCMR giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố.
Cũng tại Công văn 5509 này, Sở Y tế Hà Nội đề nghị Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nội chỉ đạo Phòng Giáo dục - đào tạo các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế tổ chức lập danh sách trẻ đủ 7 tuổi đang theo học lớp 2 tại các trường tiểu học trên địa bàn thành phố để rà soát và tiêm chủng vắc-xin uốn ván- bạch hầu (Td).
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, trường học phối hợp với các cơ quan y tế trên địa bàn tổ chức tiêm chủng vắc-xin uốn ván- bạch hầu (Td) tại trường học khi có yêu cầu.
Ngoài ra, tăng cường các hoạt động truyền thông cho cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh về lợi ích của việc tiêm vắc-xin, đối tượng tiêm, loại vắc-xin, tính an toàn của vắc-xin, thời gian, địa điểm triển khai tiêm chủng khi có hướng dẫn cụ thể của ngành y tế.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội giao CDC thành phố xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh uốn ván- bạch hầu (Td) vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ em 7 tuổi trên địa bàn thành phố; hướng dẫn chuyên môn cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện.
CDC Thành phố cũng là đầu mối tiếp nhận vắc-xin từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và thực hiện cấp phát vắc-xin cho Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã để triển khai trong Tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, giám sát, hỗ trợ các quận, huyện, thị xã trong quá trình triển khai việc đưa vắc-xin uốn ván- bạch hầu (Td) vào trong chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Nói về bệnh uốn ván, theo các chuyên gia y tế, nếu không được điều trị kịp thời, uốn ván sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Gãy xương, viêm phổi, co thắt thanh quản, động kinh, thuyên tắc phổi, suy thận nặng (suy thận cấp) thậm chí tử vong.
Chi phí điều trị ở bệnh nhân uốn ván khá tốn kém và mất thời gian, tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh có thể từ 2 tuần đến 3, 4 tháng điều trị.
Theo chuyên gia, uốn ván là một loại bệnh cấp tính nguy hiểm, nguy cơ tử vong rất cao, do ngoại độc tố (Tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí.
Bệnh uốn ván là một trong những nguyên nhân thường gặp gây tử vong ở nhiều nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, đặc biệt ở những vùng nông thôn và vùng nhiệt đới.
Ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong những năm cuối của thế kỷ 20, mỗi năm, có khoảng 500.000 trẻ bị chết vì uốn ván sơ sinh ở các nước đang phát triển.
Cũng theo WHO, tỷ lệ tử vong do uốn ván nói chung có thể dao động từ 10 - 90% tổng số trường hợp mắc, cao nhất ở trẻ nhỏ và người có tuổi.
Theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, khi có vết thương trên cơ thể, cần phải rửa sạch, sát trùng, để hở vết thương, không để vết thương bị bịt kín tạo đường hầm, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương để tránh viêm nhiễm.
Nếu bị trầy xước, đâm vào đinh, sắt, cát, bụi bẩn… cần xử lý sạch vết thương ngay, sau đó đến bệnh viện để khám và điều trị đề phòng uốn ván. Giữ vệ sinh sạch sẽ vết thương tránh nhiễm trùng đề phòng hoại tử…
Tất cả mọi người đều có thể tránh được rủi ro về sức khỏe do uốn ván bằng một việc rất dễ dàng và đơn giản, đó là tiêm phòng vắc-xin.
Việc tiêm phòng vắc-xin uốn ván được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em, trẻ vị thành niên và người lớn/người lớn tuổi. Liệu trình cơ bản gồm 3 - 4 mũi phụ thuộc vào khuyến cáo của từng quốc gia và sau đó tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.
Ở trẻ em, vắc-xin uốn ván được sử dụng dưới dạng vắc-xin phối hợp giúp phòng ngừa thêm các bệnh lý khác có trong vắc-xin nhằm giảm số mũi tiêm và giảm đau cho trẻ. Điều quan trọng là trẻ cần được tiêm đầy đủ liệu trình vắc-xin uốn ván đúng thời gian để duy trì tình trạng miễn dịch chống lại bệnh.