Thời sự
Hà Nội: Trung tâm thương mại từ chối khách không quét mã QR code
Hạnh Nguyên - 23/09/2021 20:33
Hầu hết các cơ sở kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố đều nghiêm túc thực hiện quy định dán mã QR nhằm quản lý thông tin người ra vào.

Chủ kinh doanh, người dân phấn khởi

Bắt đầu từ 12 giờ ngày 16/9, Thành phố Hà Nội đã cho phép các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập, dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng của 19 quận, huyện, thị xã được mở cửa trở lại. Kèm theo đó là điều kiện bắt buộc là phải tạo điểm quét QR Code để khách đến mua hàng khai báo thông tin.

Đa phần các cơ sở kinh doanh đều chủ động, nghiêm túc thực hiện quy định dán mã QR nhằm quản lý thông tin người ra vào.

Khách hàng quét mã QR code khi mua sắm.

Những ngày qua, các quán ăn trên phố Đội Cấn, Núi Trúc, Cầu Giấy, Phan Đình Phùng, Quán Thánh,… đã trở nên nhộn nhịp, người dân đến mua đồ ăn mang về khá đông.

“Thành phố yêu cầu dán mã QR code tôi thấy rất hợp tình, hợp lý. Gia đình tôi chấp hành nghiêm chỉnh quy định. Bất cứ khách hàng nào tôi cũng nhắc nhở quét mã và sau khi họ thực hiện xong mới bán hàng. Mọi khách hàng đều vui vẻ thực hiện yêu cầu vì như vậy cũng tốt cho họ”, anh Nguyễn Tiến Đạt, chủ cơ sở kinh doanh bánh mì trên phố Đội Cấn cho hay.

Anh Đạt cho biết, việc tạo mã QR code rất đơn giản, không có gì phức tạp: “Ngay khi biết yêu cầu của Thành phố Hà Nội, tôi đã chủ động vào trang web https://qr.tokhaiyte.vn/, sau đó chọn mục “Đăng ký địa điểm” và nhập đầy đủ thông tin về địa điểm cần đăng ký và tải mã về, in ra và dán lên là xong”.

Tại nhà sách Newton (tầng 1, tòa E1-Chelsea Park, phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), nhân viên bảo vệ ở đây đều nhắc nhở mỗi người khai báo y tế bằng mã QR Code và rửa tay sát khuẩn trước khi vào mua hàng, tuân thủ giữ khoảng cách khi thanh toán. Đa số khách hàng đều chấp hành nghiêm túc, khi nhân viên nhắc nhở đều có ý thức giữ an toàn cộng đồng chung.

Phấn khởi khi được đi mua phở về thưởng thức sau chuỗi ngày dài tạm phải lãng quên món ăn này, ông Hoàng Văn Việt (Phú Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Việc Thành phố Hà Nội yêu cầu chủ kinh doanh dán mã QR code để quản lý thông tin khách hàng là rất đúng đắn. Điều này rất tốt cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhất là việc truy vết cũng như bảo vệ, giúp đỡ người dân nếu xuất hiện ca F0. Tôi năm nay đã 72 tuổi vẫn dễ dàng thực hiện việc quét mã thì những người trẻ hơn cũng không khó khăn gì, cũng không mất nhiều thời gian để thực hiện trách nhiệm, cũng là quyền lợi này”.

Trung tâm thương mại từ chối khách hàng chưa quét mã QR vào mua sắm

Đặc biệt, từ ngày 21/9, Thành phố Hà Nội điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, các trung tâm thương mại thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch 5k, đặc biệt là dán mã QR code và kiên quyết không cho khách hàng không thực hiện quét mã QR code vào mua sắm.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 23/9, tại Big C Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) rất đông khách hàng đến mua sắm. Tất cả khách hàng đều đeo khẩu trang, nhân viên an ninh liên tục nhắc nhở để đảm bảo khoảng cách giãn cách theo quy định 5K.

Khách hàng muốn vào siêu thị Big C Thăng Long phải quét mã QR code và thực hiện các quy định 5K.

Từ khu vực để xe vào khu gian hàng có rất nhiều điểm quét mã QR, rất tạo thuận tiện cho khách hàng khai báo y tế. Tại cửa vào trung tâm thương mại Big C Thăng Long có 2 cán bộ bảo vệ kiểm tra gắt gao việc hoàn thành quét mã QR và khai báo y tế của khách hàng.

Tất cả các khách hàng lấy lý do không mang theo điện thoại thông minh, không thể quét mã QR và khai báo y tế đều bị nhân viên an ninh của trung tâm thương mại từ chối cho vào bên trong.

Tương tự, các trung tâm thương mại, siêu thị lớn ở Hà Nội như Aeon Hà Đông, Lotte Mart Ba Đình, Vinmart+... đều tăng cường nhân sự bảo vệ để kiểm tra việc quét mã QR và khai báo y tế của khách hàng khi đến mua sắm.

Tuy vậy, do nhu cầu mua sắm tăng cao sau khi Thành phố Hà Nội nới lỏng giản cách xã hội, nên vào một vài thời điểm, khi vực kiểm tra quét mã QR code chưa đảm bảo giãn cách.

Tại thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), UBND thị trấn đã giao đoàn viên thanh niên đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn cách cài đặt và sử dụng ứng dụng quét mã QR; đồng thời, yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh mở sổ ghi rõ họ tên, địa chỉ nếu khách hàng không có điện thoại thông minh.

Ông Nguyễn Quốc Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn cho biết: “Các chủ cơ sở kinh doanh phải kiên quyết từ chối phục vụ những khách hàng không thực hiện yêu cầu quét mã hoặc khai báo y tế. Từ ngày mai, thị trấn sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở kinh doanh không lập, hoặc không yêu cầu khách hàng quét mã QR”.

Theo ông Tống Xuân Duy, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), trên địa bàn phường có phố Duy Tân là tuyến phố được gắn biển “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát”. Thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, tại đây, các cơ sở kinh doanh ăn uống đều in mã QR ra giấy và dán lên phía ngoài cửa hàng để khách đến mua có thể quét mã phòng dịch.

Với người dân không có điện thoại thông minh, khi đến mua hàng, chủ cơ sở đều yêu cầu thực hiện 5K, khai báo thông tin vào sổ theo dõi người ra vào cửa hàng. Để bảo đảm tất cả các cơ sở dịch vụ ăn uống tại tuyến phố này tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lực lượng chức năng của quận và phường thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát, tư vấn, từ đó kịp thời nhắc nhở, xử lý các hộ vi phạm.

Bên cạnh các cơ sở chấp hành nghiêm quy định dán mã QR và yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã, vẫn có những cửa hàng chưa coi đây là yêu cầu bắt buộc đối với khách hàng.

Đơn cử, chị Lê Thị Hải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Khu vực tôi ở hầu hết các cửa hàng, từ hàng phở, hiệu thuốc đến cửa hàng tiện ích, cửa hàng bánh mì đều dán mã QR ở ngay phía ngoài rất to và dễ thấy. Tuy nhiên, một số cửa hàng yêu cầu khách đeo khẩu trang, đảm bảo cự ly giãn cách, xịt sát khẩu theo quy định 5K, nhưng nếu khách quên không quét mã QR code thì cũng không bị nhắc nhở…”.

Ngày 22/9, tại Aeon MaxValu, số 349 Vũ Tông Phan và T-Mart ở 485 Vũ Tông Phan (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) dán mã QR, nhưng nhân viên cửa hàng không yêu cầu khách phải quét mã trước khi vào mua hàng. Bởi vậy, nhiều khách hàng cũng không thực hiện việc quét mã theo quy định.

Số địa điểm QR code có lượt quét mã tăng mạnh

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, tính đến ngày 21/9, toàn Thành phố có 289.246 điểm đã tạo mã quét QR. Số địa điểm quét QR tạo mới trong ngày 20/9 là 5.237 điểm. Số địa điểm QR code có lượt quét mã trong ngày 20/9 là 27.062 điểm, tăng mạnh so với những ngày trước đó.

Còn theo số liệu của Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia, trong ngày 16/9, số lượng điểm quét mã QR tạo mới là 8.327 điểm, tăng gấp 4,5 lần số điểm tạo mới của ngày 15/9. Qua đó tổng số điểm quét mã QR trên địa bàn toàn Thành phố Hà Nội lên 264.054 điểm.

Cũng trong 16/9, số điểm quét mã QR có ghi nhận hoạt động đã tăng thêm 2.600 điểm, gấp 2 lần số điểm tăng thêm trong 15/9. Qua đó nâng tổng số điểm quét mã QR để quản lý thông tin người vào ra có hoạt động trên địa bàn Thành phố lên 20.224 điểm.

Số lượt và số người ra vào các địa điểm tại Hà Nội có quét mã QR trong 16/9 cũng tăng hơn gấp đôi so với ngày 15/6, lần lượt tăng 61.000 và 40.000 lượt.

Trong đó, cao điểm về phát sinh các điểm quét mã QR mới, lượt ra vào và số người ra vào là ở quận Cầu Giấy, với hơn 1.100 điểm mới, 17.000 lượt ra vào và 12.000 người ra vào.
Tin liên quan
Tin khác