Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024, Thủ đô Hà Nội ước đón 653.000 lượt khách, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Thanh Tùng/ TTXVN) |
Báo cáo Kết quả hoạt động du lịch TP. Hà Nội dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Tết Nguyên đán năm nay thời tiết thuận lợi, cùng với đó tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn Thủ đô được trang hoàng để chuẩn bị phục vụ du khách du xuân đầu năm.
Theo số liệu tổng hợp, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp thìn 2024 (từ ngày 8/2/2024 đến hết ngày 14/2/2024 dương lịch, tức từ ngày 29/12 đến hết ngày 5/1 âm lịch), Thủ đô Hà Nội ước đón 653.000 lượt khách, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2023 với gần 103.000 lượt khách (các thị trường khách chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản.... ); khách du lịch nội địa tăng khá 12,2% với 550.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Về hoạt động kinh doanh khách sạn, các trung tâm thương mại dịch vụ mua sắm và ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, công suất bình quân khối khách sạn ước đạt 59,6%, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ; thị trường khách lưu trú chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn độ....
Cũng theo Sở Du lịch Hà Nội, công tác tổ chức đón khách du lịch đến Thủ đô dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại các khu, điểm tham quan du lịch tiếp tục được diễn ra sôi động, hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch; đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch dịch bệnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách.
Với tinh thần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đưa văn hóa trở thành tài nguyên và động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch, chuỗi các hoạt động, sự kiện được diễn ra từ trước Tết kéo dài xuyên qua Tết Nguyên đán đã làm cho du khách đến Thủ đô được sống trong không khí Tết cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc bộ như: Triển lãm tranh “Vẽ con rồng” khai mạc tại di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Chương trình “Tết phố năm 2024” tại không gian phố bích họa Phùng Hưng từ; Hoạt động chủ đề “Hương xuân Tây Bắc” với các hoạt động chính như: “Chợ phiên - Chào năm mới 2024”, “Xuân về bản em”, Chương trình “Đón xuân ở bản em” và giới thiệu trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía Bắc tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Các hoạt động văn hóa, trưng bày giới thiệu về Tết cổ truyền như: Tại Ngôi Nhà di sản 87 Mã Mây thực hiện trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống ở bên trong, trước cửa đình Kim Ngân và tổ chức thực hiện lễ rước truyền thống với chủ đề Tết Việt; Sắp đặt và tổ chức giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa như: Tổ chức gói bánh chưng;
Nét mới hấp dẫn thu hút sự quan tâm đông đảo của nhân dân và du lịch tết năm nay là vào đúng đêm 30 tết, tai khu vực hồ Tây (phố Nguyễn Đình Thi - Trích Sài), UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội “Rực rỡ Thăng Long” với màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 thiết bị bay không người lái (drones) với chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử”.
Cũng vào dịp Tết Nguyên đán, các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn Thủ đô tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn để thu hút khách du lịch như: Chương trình văn hoá nghệ thuật đặc biệt đêm giao thừa tại Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm; Hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống tại các phường trong khu phố cổ Hà Nội kéo dài từ ngày mồng 2 Tết đến ngày mồng 5 Tết (Tại Đình Kim Ngân ngày mùng 2 Tết; Đình Đồng Lạc ngày mùng 3 Tết; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật ngày mùng 4 Tết; Hội Quán Phúc Kiến ngày mùng 5 Tết)…
Theo số liệu cung cấp từ các điểm đến di tích, bảo tàng, công viên, khu sinh thái, nghỉ dưỡng du lịch trên địa bàn, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024: Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đón 80.600 lượt khách (tính riêng ngày 13/2/2024 tức mồng 4 Tết đón 35.000 lượt khách); Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hơn 106.000 lượt khách; Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long đón hơn 48.700 lượt khách; Khu di tích Cổ Loa đón 25.000 lượt khách; Điểm du lịch làng cổ Đường Lâm đón khoảng 15.000 lượt khách; Điểm Chùa Tây Phương đón trên 32.000 lượt khách; Điểm Đền Hai Bà Trưng đón 16.000 lượt khách; Điểm di tích Nhà Tù Hỏa Lò đón 13.000 lượt khách; Khu di tích Thành Cổ Sơn Tây và phố đi bộ đón khoảng 25.000 lượt khách; Điểm du lịch Hạ Mỗ đón 8.026 lượt khách; Điểm di tích Chùa Thầy đón 3.600 lượt khách; Điểm di tích Đền Đức Thánh Cả đón 1.250 lượt khách; Điểm làng nghề tăm hương Cầu Bầu – Quảng Phú Cầu đón 1.200 lượt khách; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đón 3.000 lượt khách; Vườn Thú Hà Nội đón 31.143 lượt khách; Vườn Quốc gia Ba Vì đón 10.391 lượt khách; 3 điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm: Bát Tràng, Dương Xá, Phù Đổng đón 18.500 lượt khách; Các điểm du lịch, di tích trên địa bàn huyện Thanh Trì: Tân Triều, Thanh Liệt, Ngọc Hồi ước đón 9.000 lượt khách/ngày…