Bình Định thu hút được nhiều dòng vốn mới nhờ giải pháp giao thông đi trước một bước. |
Cầu nối phát triển kinh tế - du lịch
Được quy hoạch là trung tâm phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định là một trong số ít tỉnh, thành phố sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ (đường bộ, đường sắt, hàng không và đường thủy), giúp thu hút các nhà đầu tư đến với vùng đất giàu tiềm năng này.
Thời gian qua, Bình Định đã đầu tư hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như: tuyến Quốc lộ 19 mới, đoạn từ cảng Quy Nhơn đến nút giao Quốc lộ 1A (dài gần 18 km), tuyến đường phía Tây tỉnh kết nối phía Tây Nam cửa ngõ TP. Quy Nhơn đến Khu công nghiệp Becamex Bình Định (hơn 14,3 km), tuyến đường trục Khu kinh tế nối dài từ Cảng hàng không Phù Cát về Khu kinh tế Nhơn Hội - Quốc lộ 19B (18,5 km), tuyến đường ven biển từ Cát Tiến đến Đề Gi (hơn 21,5 km)...
Đến nay, tuyến Quốc lộ 19 mới và tuyến đường phía Tây tỉnh đã hoàn thành đưa vào khai thác. Việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng giao thông đang dần hiện thực hóa quy hoạch đô thị hạt nhân Quy Nhơn và liên kết không gian đô thị Quy Nhơn với các đô thị vệ tinh An Nhơn, Phù Cát, Tây Sơn, Bồng Sơn... Đồng thời dần nâng cao vai trò là trung tâm kinh tế, du lịch, dịch vụ khu vực duyên hải Nam Trung bộ và mở ra nhiều hướng liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Đặc biệt, sân bay Phù Cát sẽ đóng vai trò liên kết Bình Định với khu vực và quốc tế.
Được xem là “trục xương sống” nối các tỉnh Tây Nguyên, để đẩy mạnh giao thương, thu hút đầu tư, Dự án Quốc lộ 19 thuộc nhóm A và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Bình Định, với tổng mức đầu tư 4.410 tỷ đồng đã thu hút hàng loạt dự án quy mô lớn.
Sau đó là trục đường 19B, với vai trò liên kết đô thị hạt nhân Quy Nhơn với các đô thị vệ tinh khác, cũng như liên kết Khu kinh tế Nhơn Hội với đô thị sân bay Phù Cát trong tương lai, có tổng vốn 1.825 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe cũng đã hoàn thành, chính thức đưa vào sử dụng. Đón đầu dự án này, nhiều nhà đầu tư đã nhanh chân sở hữu những vị trí đắc địa với các dự án quy mô như Kỳ Co Gateway, Nhơn Hội New City…
Theo ông Nguyễn Phi Long, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong 8 tháng đầu năm 2020, Bình Định giải ngân vốn đầu tư công đạt 53,38% kế hoạch năm; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu là 42,62%, vốn nước ngoài (ODA) là 72,97%, ngân sách địa phương là 55,95%.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng Bình Định vẫn tập trung vốn đầu tư công để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn như đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội, đường phía Tây tỉnh nối Quy Nhơn với Khu công nghiệp Becamex, Quốc lộ 19 đoạn từ cảng Quy Nhơn đến nút giao Quốc lộ 1A…
Giới đầu tư đánh giá, đòn bẩy hạ tầng luôn là động lực gia tăng giá trị bất động sản. Để một dự án có thể phát triển bền vững, ngoài các yếu tố về tiện ích, dịch vụ, thì hạ tầng khu vực có vai trò tối quan trọng. “Với vai trò là tâm điểm liên kết vùng mới của Bình Định, sau khi hoàn thành, Quốc lộ 19B sẽ trở thành đòn bẩy kích thích kinh tế miền Trung bứt phá, từ đó xác lập vị thế mới cho Bình Định”, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi, ông Nguyễn Quốc Bảo nhận định.
Chiến lược thu hút đầu tư mới
Bình Định luôn đặt nhiệm vụ cải cách hành chính lên hàng đầu. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính và đề ra các giải pháp nâng cao thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính tỉnh trong năm 2020.
Với mục tiêu trở thành một tỉnh khá trong khu vực, việc tăng cường thu hút đầu tư đã và đang là hướng đi quan trọng của Bình Định nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Nhờ vậy, thời gian qua, đầu tư vào Bình Định đã có chuyển biến rõ rệt.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định, ông Nguyễn Thành Hải cho hay, quan điểm của địa phương là không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà chú trọng vào chất lượng. Các dự án đầu tư phải đi cùng với phát triển bền vững.
Tỉnh sẽ đa dạng hóa các kênh xúc tiến đầu tư thông qua các cơ quan, diễn đàn, các tổ chức kinh tế có uy tín trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong việc tiếp cận, mời gọi xúc tiến đầu tư.
Với chiến lược mới, Bình Định đã đón tiếp nhiều đối tác lớn trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương như Quỹ đầu tư Marshal (Singapore), Công ty TNHH Fujiwara (Nhật Bản), Công ty TNHH The Green Solutions, Quỹ hữu nghị Hàn Quốc - Á Châu, TMA Solutions tại TP.HCM, Tập đoàn Việt - Úc, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Marriott International (Mỹ), Anphanam, Công ty FGD Recycling Industry Co.Ltd (Đài Loan), Tập đoàn Gia Phú (Singapore), Đoàn doanh nghiệp Yongsan (Hàn Quốc), Tập đoàn BR Group (Cộng hòa Séc)…
Ông Nguyễn Thành Hải cho biết, trong năm 2019, Bình Định đã thu hút được 8 dự án FDI với tổng vốn hơn 134 triệu USD; 83 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn hơn 48.059 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 đến nay toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 2 triệu USD và thu hút được 87 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 16.899 tỷ đồng (trong đó có 24 dự án trong KKT Nhơn Hội, 63 dự án ngoài khu kinh tế).
Thời gian tới, địa phương tiếp tục tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh đến đầu tư các dự án then chốt vào các lĩnh vực mũi nhọn như du lịch - dịch vụ, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất phần mềm... Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh cao.
Lãnh đạo tỉnh phải có quyết tâm, thể hiện khát vọng phát triển
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Sự phát triển của Bình Định cần đặt trong mối quan hệ với cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên để khai thác lợi thế về địa kinh tế của tỉnh. Việc quy hoạch các ngành kinh tế cần đặt trên quan điểm kinh tế mở nhằm khai thác lợi thế chung của cả vùng. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Định phải có sự quyết tâm, thể hiện khát vọng phát triển với quan điểm tăng trưởng bao trùm.
Đầu tư hạ tầng sẽ căn cứ vào tầm nhìn dài hạn
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Lê Đình Thọ
Với Bình Định, ở hướng Đông Bắc sẽ dựa trên tuyến đường ven biển kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với Sân bay Phù Cát; hướng Tây sẽ lấy tuyến Quốc lộ 1A và tuyến Quốc lộ 19; hướng Đông Nam là tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Quy Nhơn. Ở mỗi công trình là tầm nhìn dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội, tính toán đến liên kết quốc tế.
Bình Định đã có bước phát triển mới, với những chiến lược được hoạch định cụ thể, rõ ràng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Với nỗ lực vượt Covid-19 để duy trì đà tăng trưởng của địa phương. Bình Định đã có những bước phát triển mới với những chiến lược được hoạch định cụ thể, rõ ràng. Điều này thể hiện sự năng động, sáng tạo và quyết liệt của lãnh đạo tỉnh trong giai đoạn vừa qua.